Ðặc sắc nghi thức đón tết Chôl Chnăm Thmây
Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày, có tên gọi, cách hành lễ và ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là “ngày đón Ðại lịch mới”, mọi người mang lễ vật đến chùa làm lễ rước Ðại lịch và đảnh lễ Phật. Ngày thứ hai gọi là ngày “wonboat” (ngày vui chơi giải trí), trong ngày này đồng bào chuẩn bị cơm nước dâng lên các vị sư. Buổi chiều, tổ chức làm lễ đắp núi, thông thường tổ chức đắp 9 núi cát (8 núi vòng quanh chánh điện, trong chánh điện trước mặt Phật 1 cái). Các ngọn núi tượng trưng cho vũ trụ, ngọn núi ở giữa là ngọn núi trung tâm của thế giới, hay còn gọi là núi mẹ, vì nó tượng trưng cho công ơn của đấng sinh thành.
Lễ đắp núi với ý nghĩa đền đáp công ơn ông bà, cha mẹ đã quá vãng; khi còn sống, có khi vì vô ý phạm phải sai lầm, gây nên nghiệp ác, đồng bào tin rằng mỗi hạt cát tượng trưng cho một việc thiện mà ông cha đã làm, các ma quỷ địa ngục không đếm được hết cát, nghĩa là cái thiện luôn chiến thắng và chắc chắn ông cha ta sẽ được sinh về cõi Phật. Nghi thức đắp núi cát mang ý nghĩa triết lý sâu sắc, khẳng định cái thiện luôn thắng cái ác.
Ngày thứ ba hay còn gọi là ngày leng-sak, ngoài việc tập trung tại chùa dâng cơm đến các nhà sư, đồng bào còn tổ chức tắm Phật, tượng trưng cho việc từ bỏ những điều xấu năm cũ để bước vào năm mới được an lành, công việc làm ăn phát triển hơn. Sau lễ tắm Phật, đồng bào thỉnh sư về gia đình để cầu siêu cho ông bà quá cố, theo từng bảo tháp, từng ngôi mộ; làm lễ tắm ông bà hiện tại, đáp công ơn ông bà đã nuôi dưỡng trưởng thành./.