Non nước Việt Nam

Ẩm thực Việt Bắc - thưởng thức, trải nghiệm và khám phá

Cập nhật: 06/06/2019 15:41:58
Số lần đọc: 1854
Nhờ sự kết hợp khéo léo trong các món ăn với những nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng Việt Bắc, những món ăn giản dị từ mâm cơm đời thường đều trở thành món ăn hấp dẫn. Đến với chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ IX tại Bắc Kạn, mỗi tỉnh đã mang đến cách thức chế biến thức ăn với những nét đặc sắc, hương vị riêng.

Đến Cao Bằng nếu du khách có say cảnh, say người thì cũng đừng quên thưởng thức những món ngon ẩm thực của người dân miền non nước này. Được nhiều người biết đến là hạt dẻ Trùng Khánh, là loại hạt dẻ ôn đới hạt rất to (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), vỏ quả có nhiều gai cứng. Hạt dẻ Trùng Khánh giàu dinh dưỡng, có mùi vị thơm ngon riêng biệt, là sản vật của Cao Bằng. Góp thêm phần hấp dẫn cho nét văn hóa ẩm thực của xứ sở miền sơn cước là món phở chua. Phở chua Cao Bằng ngon vì độ dẻo của bánh, vị bùi của gan hòa với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay. Món phở ăn kèm rau thơm với nước sốt chua ngọt rất hấp dẫn. Hay món bánh khẩu Sli độc đáo, là món bánh phổ biến trong ngày lễ tết của đồng bào các dân tộc Tày-Nùng với nguyên liệu gồm gạo nếp và mật. Khẩu Sli ăn thơm, ngọt giòn, uống với trà nóng rất thú vị. Ngoài ra còn có lạp sườn, thịt hun khói, nằm khâu, bánh trứng kiến… đều góp phần làm phong phú ẩm thực Cao Bằng.

Bắc Kạn cũng khiến say lòng người bởi những món ăn ngon, lạ, độc đáo. Là món ăn quan trọng- bánh trời được bà con người Tày dồn tình cảm và sự khéo léo vào từng viên bánh. Những chiếc bánh bé xíu, tròn tròn như quả nhãn, hội tụ bao nguyên liệu, hương vị đặc trưng của vùng quê, hội tụ bao tình cảm, tâm huyết, sự sáng tạo của bà con dân tộc Tày. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, rượu trắng, chè mạn và đường mía. Gạo nếp nương đem xay khô cho mịn. Cho nước chè mạn pha đặc vào bột để lấy màu nâu và vị chát, một chút rượu trắng thơm nồng rồi nhào đều cho đến khi quánh, mịn tay. Nặn bột thành những viên nhỏ tầm quả nhãn, nặn nhanh tay, cho ngay vào chảo mỡ đang sôi sùng sục. Đảo bánh nhanh tay cho vàng rồi vớt ra, để ráo mỡ. Đường mía được nấu tan chảy rồi đun sôi sền sệt, cho bánh vào ngập đường rồi vớt ra lăn ngay với bột áo. Bột áo làm từ gạo nếp rang chín, xay nhỏ. Bột áo sẽ bám đầy, bao phủ những chiếc bánh vừa được bao đường. Lớp bột bánh trắng mịn, ôm bao lấy chiếc bánh, nhưng không thể phủ kín màu vàng nâu của lớp đường bám trên bánh, nên nhìn chiếc bánh mộc và thô. Không ai nghĩ chiếc bánh mộc đó lại có sức hút lớn, cho đến khi họ thưởng thức chiếc bánh. Những chiếc bánh nhỏ, đơn giản mà tinh tế, như chính con người Bắc Kạn giản dị, giàu lòng mến khách. Bên cạnh đó là những món ăn truyền thống đòi hỏi kỹ thuật nấu nướng phức tạp với nhiều các loại gia vị như khau nhục, xíu xoòng…

Đến với chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần này Tuyên Quang cũng mang đến nhiều đặc sản, tạo được dấu ấn trong lòng du khách như thịt trâu gác bếp, măng rừng, rượu ngô, thịt chua Nà Hang, bánh gai Chiêm Hóa… Đặc biệt không thể không nhắc đến là món xôi ngũ sắc, đây là món ăn đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang, thường được làm trong dịp lễ tết để dâng tế thần linh. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, thơm có năm màu: Trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho đất, nước, mây, mưa, nắng thuận hòa, màu sắc của xôi đều là những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà của đồng bào dân tộc Tày. Người Tày cũng dùng những chiếc chõ đồ xôi đặc biệt, đó là chiếc chõ cao làm bằng gỗ. Khi đồ cho gạo vào chõ, vẩy thêm chút rượu trắng rồi đặt vào chảo nước sôi, đến khi nào mùi thơm tỏa ra là xôi đã chín. Khi cầm một nắm xôi dù là nóng hay nguội cũng không bao giờ dính tay. Mùi vị thơm của nếp cùng hòa quyện với mùi hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong nhưng dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi trong tâm trí của du khách. Một đặc sản nổi tiếng của Tuyên Quang là thịt trâu khô. Khi trâu được mổ, lấy nguyên thịt nạc, dần cho mềm và ướp với tỏi, ớt, gừng, sả và những gia vị khác, sấy trên than củi hoặc đun khói trên gác bếp. Khi ăn có thể cuốn thịt trâu khô với lá rau cải, chấm thêm với nước tương, mù tạt.

Xứ Lạng có nhiều phong vị, một trong số đó là món lợn quay mà ai đã ăn một lần thì chẳng dễ nào quên được. Gia vị có thêm tầu choong, quả mác mật giã nhỏ trộn muối, mì chính, hạt tiêu, đường hoa mai trộn đều nhồi vào trong bụng lợn và một thứ không thể thiếu được đó là lá mác mật tươi. Rượu Mẫu Sơn cũng là đặc sản không thể quên của xứ Lạng, rượu nổi tiếng thơm ngon, không quá cay và nồng mà cũng không quá nhạt. Với quy trình sản xuất độc đáo, sử dụng nước suối nguồn của vùng núi cao với lá men riêng của núi rừng xứ Lạng. Hay món bánh chưng cẩm độc đáo được tạo màu từ lá cây cẩm làm cho bánh không chỉ có màu sắc đẹp mặt mà lá cẩm còn có tính hàn giúp giải nhiệt làm mát, chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư… Bánh được làm từ các nguyên liệu chọn lọc, gói bằng gạo nếp nương, đỗ xanh, thịt lợn bản, tiêu… chắc chắn du khách sẽ hài lòng khi thưởng thức.

Đến Thái Nguyên mỗi mùa lại có món ăn đặc trưng riêng từ sản vật của địa phương. Mùa xuân có rất nhiều măng: măng đắng, măng vầu, tre, nứa… Mùa hè có nhiều củ, quả, đặc biệt là rau rừng như bò khai, rau ngót rừng... Mùa thu có trám rừng quả đen, quả trắng. Người dân tộc hái những quả chín đem về om, trám đen nấu xôi cũng ngon và lạ miệng. Cơm lam Định Hóa cũng là món ăn khá phổ biến của đồng bào dân tộc nơi đây. Đi làm nương, phát rẫy, vào rừng đốn cây người ta cũng đốt cơm lam. Trong tiệc cưới, cơm tết ít khi thiếu những ống cơm lam. Gạo nếp nương, nếp cái ngâm kỹ đổ vào những ống tre tươi bánh tẻ rồi nút lá dong tươi, dựng nướng trong đống lửa củi nỏ. Khi vỏ các ống tre cháy xém, mùi thơm nếp hương tỏa lan là cơm lam đã chín. Chờ ống cơm lam bớt nóng, dùng dao sắc vót dần lớp ngoài ống tre. Cơm lam chín dẻo đượm một mùi thơm khó tả, chấm với muối vừng thơm phức… sẽ là món ẩm thực dân dã một lần thưởng thức mãi không quên. Bên cạnh đồ ăn thì thức uống là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực, Thái Nguyên được biết đến với những đồi chè xanh và vùng chè ngon nổi tiếng. Người Thái Nguyên có thói quen uống nước chè tươi hoặc chè khô đã qua sao tẩm, ngoài ra còn rất nhiều loại lá cây rừng được hái về đun nước uống thay chè như lá vối, lá ổi, nhân trần…

Hãy đến với vùng cao Hà Giang để được khám phá nhiều điều kỳ thú miền sơn cước và một lần được nếm thử thắng cố thứ thiệt sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi du khách. Theo các già bản người Mông kể lại thì thắng cố là biến âm từ tên gọi “Thảng cố”, nghĩa là canh xương.Trong nồi thắng cố gồm chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, chủ yếu là thịt ngựa. Chế biến thắng cố thật đơn giản. Con bò hoặc ngựa sau khi giết mổ, người ta lọc thăn bắp và các phần nạc riêng ra để bán. Còn phần xương được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim gan phèo phổi; các loại gia vị vùng cao...thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món Thắng cố. Sau khi nổi lửa cho nước trong chảo sôi, người ta cho các thứ nói trên vào chảo đun liên tục. Rồi vừa đun vừa vớt váng bẩn bỏ đi. Thắng cố được múc ra bát cho thực khách luôn nóng bỏng, vừa ăn vừa thổi. Bên ngoài luôn có thêm muối hoặc bột canh, khi ăn mới chấm cho vừa miệng mỗi người. Cùng với đó là món thịt bò khô Đồng Văn, đây là đặc sản quý hiếm, làm công phu. Thịt bò phải chọn, tốt nhất là thịt bắp, thái dọc thớ, được ướp, ủ gia vị gừng, muối, rượu… xiên bằng que tre, hong khói, sấy khô bằng than củi. Khi ăn ngâm nước ấm cho mềm, thái lát mỏng xào với lá tỏi, súp lơ hoặc su hào… có thể vùi trong tro nóng, khi chín mang ra, dùng chày gỗ đập tơi, xé thành từng sợi nhỏ chấm tương ớt, uống rượu hoạc bia. Trong khung cảnh thời tiết lành lạnh bên bếp lửa bập bùng vùng sơn cước, ai đã từng một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên được…/.

Nguồn: baobackan.org.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT