Hoạt động của ngành

Bắc Kạn: Bạch Thông khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 16/06/2021 11:11:49
Số lần đọc: 794
Huyện Bạch Thông có cảnh quan thiên nhiên đẹp với các điểm di tích lịch sử, điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng cùng lợi thế trở thành nơi trung chuyển và phân phối khách đi tham quan các điểm du lịch trong tỉnh Bắc Kạn. Với những tiềm năng sẵn có, huyện đang từng bước kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch địa phương.

Nương chè xanh mướt của thôn Phiêng An, xã Quang Thuận.

Nằm uốn mình bên dòng sông Cầu hiền hòa, bản người Dao ở Phiêng An (xã Quang Thuận) bình yên và thơ mộng, cộng với nét văn hóa truyền thống đặc sắc là những điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến thôn Phiêng An, ấn tượng đầu tiên là những vườn ổi quanh năm sai trĩu quả xen lẫn với màu xanh của vườn chè với diện tích gần 15 ha. Hai bên trục đường chính của thôn là những gốc hoa hồng, hoa cúc đua nhau nở rộ. Các loại cây ăn quả ở đây chủ yếu là ổi, cam, quýt, bưởi được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn OCOP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm, đặc biệt là quả ổi ngon, ngọt nhiều người ưa chuộng. Được chính quyền ủng hộ và tuyên truyền vận động, người dân trong thôn đã tích cực chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, sẵn sàng hợp tác xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống cũng tăng nguồn thu nhập.

Trưởng thôn Phiêng An Nguyễn Thanh Tuyến cho biết, Phiêng An có 23 hộ dân với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào người Dao chiếm 90%. Nhiều năm qua, Phiêng An luôn được công nhận là thôn văn hóa, 100% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, an ninh trật tự luôn bảo đảm, đặc biệt tinh thần gắn bó, cố kết cộng đồng luôn được đề cao. Riêng đối với đồng bào người Dao, sau hơn 20 năm hạ sơn về Phiêng An, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa độc đáo về trang phục, ngôn ngữ, lễ tục tốt đẹp vẫn được đồng bào giữ gìn, phát huy trong sinh hoạt và sản xuất. Đây cũng chính là nét văn hóa độc đáo, cuốn hút du khách mỗi khi đặt chân khám phá Phiêng An.

Dòng nước mát lành của các bãi tắm ở Vằng Áng, xã Vi Hương là địa điểm lý tưởng vào mỗi dịp hè.

Đa số du khách đến đây đều có ấn tượng về miền quê thanh bình, thơ mộng, giàu truyền thống văn hóa bản địa. Tuy nhiên, Phiêng An vẫn thiếu những sản phẩm du lịch độc đáo, thiếu những nhà nghỉ cộng đồng để giữ chân du khách trải nghiệm lâu hơn. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của Phiêng An, đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh dự kiến đầu tư gần 6 tỷ đồng (theo Đề án xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025) để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho thôn, cụ thể: Xây dựng 1 nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản sạch và đạt tiêu chuẩn OCOP kết hợp với nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn; 1 bãi đỗ xe; nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; cổng chào và các biển chỉ dẫn, thuyết minh về mô hình du lịch của thôn; tạo các con đường đi bộ tham quan trải nghiệm tại các khu vườn cây ăn quả, đồi chè của các hộ gia đình trong thôn… Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ du lịch, chế biến các món ăn cho các hộ dân. Qua đó, giúp Phiêng An từng bước đi lên bằng cách phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cách thị trấn Phủ Thông không xa là khu thác nước Vằng Áng, xã Vi Hương, cứ mỗi dịp hè, rất nhiều bạn trẻ đến đây để khám phá, trải nghiệm. Điều mà mọi người ưa thích chính là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với các tầng thác nước từ đỉnh núi Phja Boóc nối đuôi nhau chảy xuống, mang theo dòng nước mát trong lành, các bãi tắm lớn nhỏ, xen kẽ bởi những hòn đá mồ côi.

Quanh khu vực Vằng Áng là cộng đồng người Tày, Dao cùng sinh sống, sản xuất, ổn định từ bao đời nay. Với vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng, Vằng Áng thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa khám phá thiên nhiên. Ngoài ra, Bạch Thông còn có điểm du lịch sinh thái mang vẻ đẹp tự nhiên nhưng chưa được khai phá như bãi đá ở thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong nằm trên dải suối Nặm Cắt.

Các lễ hội truyền thống luôn thu hút rất đông du khách (Ảnh: Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông).

Tiếp đó là tiềm năng về lịch sử, văn hóa, huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Di tích Đồn Phủ Thông và Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng. Đây là cụm du lịch nằm ở trung tâm huyện, có vai trò tiếp nhận và phân phối khách du lịch đi các cụm, khu, điểm du lịch khác trong tỉnh. Trong đó, Di tích lịch sử Nà Tu nằm gần Quốc lộ 3, thuộc xã Cẩm Giàng, nơi Bác Hồ tặng thanh niên xung phong 4 câu thơ bất hủ vào năm 1951: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Với ý nghĩa đó, điểm Di tích đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng, ý chí cho các thế hệ thanh niên phấn đấu, vươn lên. Năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Nà Tu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để xứng tầm với quy mô cũng như giá trị lịch sử mang lại, năm 2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng công trình Di tích lịch sử Nà Tu để phục vụ cho nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Di tích đã được xây mới và nâng cấp một số hạng mục gồm: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, nhà cắm trại, hệ thống sân vườn, hàng rào và tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong... với tổng diện tích được mở rộng lên đến 11.000 m2. Việc hoàn thành công trình là rất cần thiết trong việc định hình, thu hút phát triển du lịch giai đoạn hiện nay.

Cách thị trấn Phủ Thông 300 m, nằm trên điểm giao nhau giữa Quốc lộ 3 với tỉnh lộ 258, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng nước nhà. Nơi quân đội ta đã có trận đánh công kiên, phá tan cứ điểm quan trọng của địch, làm hỏng âm mưu của địch tiến công lên Tây Bắc. Trận đánh đã mang lại niềm tin, kinh nghiệm và tạo đà để Bắc Kạn trở thành địa điểm đầu tiên được giải phóng, góp phần quan trọng cho quân và dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Di tích Đồn Phủ Thông ngày nay đã được tôn tạo, sửa chữa trên nền diện tích rộng 5.000 m2. Đối diện với Đồn là Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn. Năm 1996, nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, công trình gồm nhà truyền thống, bia đá di tích, cây xanh, cây cảnh, 2 công trình ghi tên liệt sĩ. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, tại đây đón nhiều đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, du khách thập phương, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

Nhà truyền thống Di tích Đồn Phủ Thông.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử Khau Cưởm, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử nhà Ông Hoàng Văn Lường, xã Quân Hà. Huyện còn có Lễ hội Lồng Tồng Hà Vị tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng và Lễ hội Lồng Tồng Phủ Thông tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng hằng năm.

Với những cảnh sắc thiên nhiên vốn có, con người và bề dày lịch sử đang mở ra cơ hội cho Bạch Thông quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch. Trước mắt, huyện định hướng tuyên truyền, có những giải pháp phù hợp để từng bước trở thành một điểm trung chuyển giữa các tuyến du lịch khi du khách đến với Bắc Kạn.

Để đạt được yêu cầu đề ra, huyện xác định cần xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù của địa phương; hình thành các tua, tuyến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Kêu gọi hỗ trợ nguồn lực để khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh về du lịch của địa phương. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nơi họ sinh sống. Huy động các nguồn lực tập trung cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đô thị văn minh, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã, các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bằng việc phối hợp các hội nghị xúc tiến hợp tác, kêu gọi đầu tư, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch trên địa bàn, quảng bá du lịch Bạch Thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng biển quảng cáo trên tuyến Quốc lộ 3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch như kiểm tra về chất lượng các dịch vụ cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, các doanh nghiệp lữ hành. Tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển du lịch hằng năm.

Phát triển du lịch là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy, làm tốt khâu tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các ban ngành, người dân về phát triển du lịch được Bạch Thông coi là việc làm cấp thiết ngay từ bây giờ. Đồng thời, huyện tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp, tạo cơ chế thông thoáng để có thể thu hút các nhà đầu tư đến với Bạch Thông trong thời gian tới./

Thu Trang

 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn

Cùng chuyên mục