Lâm Đồng: Không làm đứt gãy các chuỗi kinh doanh của cơ sở dịch vụ du lịch
Thi kỹ năng nghề rang xay cà phê ở Cà phê Tỏi Đen (Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Không làm đứt gãy các chuỗi kinh doanh của cơ sở dịch vụ du lịch là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (ngày 02/6/2021), về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu: Chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, duy trì ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhắc nhở: Bảo đảm tuân thủ giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “5k + vaccine” và tích cực ứng dụng công nghệ rộng rãi, chặt chẽ để duy trì, ổn định hoạt động du lịch, bảo đảm thích ứng với điều kiện dịch bệnh và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19. Chú trọng phát triển các lĩnh vực như du lịch thông minh, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch ẩm thực... Đổi mới nội dung, đa dạng phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.
Đà Lạt - Lâm Đồng đã cho phép các khu điểm du lịch và dịch vụ du lịch hoạt động trở lại. Nhưng, các thị trường trọng điểm khách du lịch lại đang căng thẳng vì dịch bệnh, phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ trong phòng, chống dịch, nên lượng du khách đến Lâm Đồng còn rất hạn chế. Do đó, hoạt động du lịch trong tình hình hiện nay, chủ yếu hướng đến thu hút khách nội tỉnh đến vui chơi, giải trí trong mùa hè. Các đơn vị vận chuyển cũng phải thích nghi để duy trì hoạt động kinh doanh, có chính sách linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện của thị trường và tình hình dịch bệnh để từng bước phục hồi hoạt động theo hướng an toàn, bền vững.
Bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng tại HTX cà phê Chapi (Lạc Dương) (Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Ngành Du lịch nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang phải khắc phục những khó khăn do dịch bệnh; đồng thời, cũng phải chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để có thể bứt phá và tăng tốc ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị cần tận dụng thời gian vắng khách do dịch bệnh để khai thác các giá trị khác biệt, tạo ra những sản phẩm mới để chuẩn bị đón khách du lịch, trước mắt là khách nội địa, như: chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao tay nghề nguồn nhân lực, đào tạo nghề, trực quan hóa các tình huống phổ biến trong mùa dịch, củng cố kiến thức chuyên môn, kiến thức tại các điểm đến, chỉnh trang cho các khu du lịch, xây dựng sản phẩm mới để đón khách trở lại khi có điều kiện.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID -19 tại đơn vị với từng tình huống cụ thể; đồng thời, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu của doanh nghiệp và phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động du lịch trong thời kỳ phải ngưng, nghỉ hoạt động do dịch bệnh; như: hỗ trợ thực hiện các thủ tục ngưng hoạt động, trả giấy phép, rút tiền ký quỹ, cung cấp danh sách các khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch đã được kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch để hoàn thiện hồ sơ thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho các đơn vị.
Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các nội dung phòng, chống dịch, du lịch Lâm Đồng cũng triển khai Kế hoạch hành động số 48/KH-SVHTTDL về du lịch, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm: Phát triển du lịch Lâm Đồng thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, theo hướng chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch...
Bảo vệ lợi thế tự nhiên để xây dựng các tour du lịch đặc thù (Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Với những nhiệm vụ cụ thể, là: Xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch sau dịch COVID-19, định hướng tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới; triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh (đối với lĩnh vực du lịch); tổ chức chương trình kích cầu du lịch; ban hành Kế hoạch phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế tại Lâm Đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, hình thành phần mềm cơ sở dữ liệu ngành du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán điện tử; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các khu, điểm tham quan du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho lực lượng trực tiếp phục vụ du lịch, bao gồm kỹ năng xúc tiến du lịch, nghiên cứu thị trường; e-marketing du lịch. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp ứng xử, nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư địa phương; tổ chức các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch tại các địa phương trong và ngoài nước; triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương; các nội dung trong biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế đã ký kết...
Tâm thế của người làm du lịch trong đại dịch COVID-19 là phải tranh thủ ngay khi tình hình dịch lắng xuống và cho phép một số loại hình dịch vụ hoạt động thì phải nhập cuộc ngay lập tức. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên phục hồi du lịch là phục hồi chuỗi hoạt động kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực khác, như lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến và các dịch vụ đi kèm; đồng thời, phải sẵn sàng có những kịch bản khôi phục và tái thiết ngành công nghiệp không khói bất cứ lúc nào./.
Nhật Quân