Bắc Kạn: Bảo tồn nguyên vẹn Vườn Quốc gia Ba Bể
Bến xuồng du lịch hồ Ba Bể.
Là Vườn Quốc gia được khẳng định tính đa dạng sinh học với 1.268 loài thực vật bậc cao. Về động vật đã ghi nhận có hàng nghìn loài chim, thú, bò sát lưỡng cư và hàng trăm loài cá sống trong vùng hồ rộng 500ha. Vườn Quốc gia Ba Bể có 5 xã nằm trong vùng đệm và cả vùng lõi, với dân số lên tới hàng chục nghìn người. Nhiều thôn nằm trong Vườn như: Đán Mẩy, Nà Bản, Cốc Tộc (xã Nam Mẫu), Bản Cám, Bó Liêm (xã Cao Thượng), hoặc nằm sát Vườn như Bản Lồm, Bản Quá (xã Nam Cường)… Sự bố trí dân cư sinh sống trong Vườn QGBB, nằm trên kho tàng khổng lồ động thực vật có giá trị kinh tế cao là thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ nguyên vẹn và phát triển bền vững.
Để có được Vườn QGBB nguyên vẹn như ngày hôm nay, đội ngũ cán bộ Kiểm lâm của Vườn xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đó, kế hoạch tuyên truyền hằng năm được xây dựng và thực hiện với hàng trăm buổi họp với thôn, bản trong vùng lõi, triển khai phổ biến Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản, Luật Xây dựng…, tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị vô giá của vùng hồ du lịch để người dân cùng tham gia bảo vệ. Tổ chức ký cam kết với từng hộ gia đình nhận giao khoán bảo vệ rừng, vận động Nhân dân tố giác các đối tượng vi phạm quản lý bảo vệ rừng. Phối hợp với các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm thường xảy ra phát nương rẫy trái phép. Tổ chức các Trạm kiểm lâm nằm xen kẽ trong bản làng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân nhằm tham mưu cho các cấp chính quyền có giải pháp hỗ trợ. Cùng với đó, Vườn QGBB đã chủ động, linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân sống chung trong Vườn được khai thác những sản phẩm thông dụng như: Măng, mộc nhĩ, nấm hương, săn bắt cá, tôm để phục vụ cuộc sống; thành lập Hợp tác xã xuồng du lịch phục vụ du khách. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các điểm du lịch như: Động Hua Mạ, đền An Mã, thác Bạc, ao Tiên, xây dựng các tuyến đường du lịch vào xã Hoàng Trĩ, đường xuống thác Đầu Đẳng, kết nối du lịch với hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang)…; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch hộ gia đình, mở rộng dịch vụ thương mại, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ khoa học của Vườn thường xuyên phối hợp với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thực hiện các biện pháp bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, các nguồn gen động, thực vật hoang dã trên cạn, dưới nước và các cảnh quan thuộc phạm vi quản lý của Vườn. Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên và môi trường. Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học như hỗ trợ người dân khu vực Vườn nuôi ong mật và trồng rau bò khai. Tổ chức trồng rừng mới, phục hồi, bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên trong Vườn. Đối với hoạt động tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường được Vườn quan tâm thực hiện bằng các cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề bảo vệ môi trường thiên nhiên hồ Ba Bể; hằng tháng vận động cộng đồng xã hội triển khai vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, vệ sinh mặt hồ với sự tham gia của hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên và nhân dân.
Người dân vùng đệm tại các xã Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ được tạo điều kiện để triển khai các dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng mới hàng trăm héc-ta rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng độ che phủ vùng đệm. Hướng dẫn người dân đánh bắt cá, tôm bằng các phương tiện thủ công truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng nổ mìn, xiệt điện đánh bắt cá gây hủy hoạt môi trường. Hằng năm, vận động người dân thu nộp súng săn và các loại bẫy chim, thú; đưa cưa xăng vào quản lý… Song song với các giải pháp hỗ trợ người dân, Vườn đã tham mưu cho các cấp chính quyền đầu tư xây dựng khu tái định cư Đồn Đèn với các điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng, đảm bảo cuộc sống cho người dân, từng bước vận động bà con sống trong vùng lõi Vườn lên khu tái định cư. Đến nay, khu tái định cư Đồn Đèn đã đón hơn 30 hộ dân đồng bào Mông thôn Khau Qua, Đán Mẩy (xã Nam Mẫu)… tới định cư ổn định cuộc sống. Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm xử lý, răn de những đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp, hạn chế tình hình khai thác gỗ trái phép.
Ông Hoàng Văn Kiên- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn QGBB cho biết: Vườn QGBB là mục tiêu xâm hại của rất nhiều đối tượng vì lợi ích kinh tế trước mắt. Do vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên Vườn luôn phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn những giá trị của khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời phát huy thế mạnh về du lịch, thủy sản để phát triển đời sống của người dân địa phương, sử dụng hợp lý tài nguyên của Vườn nhằm nâng cao ý thức của người dân cùng chung tay bảo vệ.
Có thể nói, Vườn QGBB đã áp dụng những giải pháp rất sát với thực tế, bảo đảm sinh kế của người dân gắn với công tác bảo tồn Vườn. Do vậy, công tác quản lý và bảo tồn được Nhân dân cùng tham gia thực hiện, góp phần giữ vững và phát triển nguồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, thu hút khách tham quan du lịch, bảo tồn nguyên vẹn Vườn Quốc gia Ba Bể./.
P – Q