Hoạt động của ngành

Sóc Trăng: Bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 14/06/2021 11:01:09
Số lần đọc: 1264
Theo kết quả khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng thực hiện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đang tồn tại, trao truyền, phát huy trong cộng đồng. Cụ thể, về dân ca có hát Dù Kê, hát Rô Băm,… của người Khmer; hát Tiều của người Hoa. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp múa Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh (ảnh : Nhật Nam)

Về dân vũ có múa Lâm Thôn, múa Salavan, múa Rom Vong, múa Rom Leo, múa Rom Kbach, múa trống Chhay Dăm,… của người Khmer; múa Lân Sư Rồng của người Hoa. Về dân nhạc có nhạc Ngũ âm, nhạc cưới của người Khmer; nhạc Tùa Lò Cấu của người Hoa.

Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Nam giáp biển Đông và phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu. Diện tích tự nhiên là 3.223 km2, có 72 km bờ biển, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện. Cộng đồng cư dân tỉnh Sóc Trăng có nhiều thành phần dân tộc khác nhau nhưng chủ yếu là ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Quá trình cộng cư gắn bó lâu đời giữa các dân tộc đã tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa của tỉnh, trong sự phong phú, đa dạng đó mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng. Dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa là một trong những đặc trưng văn hóa độc đáo, đặc sắc đã và đang được bảo tồn, phát huy khá tốt.

Theo kết quả khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng thực hiện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đang tồn tại, trao truyền, phát huy trong cộng đồng. Cụ thể, về dân ca có hát Dù Kê, hát Rô Băm,… của người Khmer; hát Tiều của người Hoa. Về dân vũ có múa Lâm Thôn, múa Salavan, múa Rom Vong, múa Rom Leo, múa Rom Kbach, múa trống Chhay Dăm,… của người Khmer; múa Lân Sư Rồng của người Hoa. Về dân nhạc có nhạc Ngũ âm, nhạc cưới của người Khmer; nhạc Tùa Lò Cấu của người Hoa.

Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục người Hoa tỉnh Sóc Trăng (ảnh: Nhật Nam)

Trong những năm qua, để bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy về Nhạc Ngũ âm, múa dân gian Khmer, Nghệ thuật sân khấu Dù Kê,… tổ chức các cuộc hội thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng dân tộc Khmer, dân tộc Hoa cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt năm 2013 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Nam bộ lần thứ I thu hút nhiều đoàn nghệ thuật Dù Kê các tỉnh, thành Nam bộ tham gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng xây dựng nhiều đề tài, hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của đồng bào dân tộc số. Đến nay, có 04 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: “Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng”, “Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng”, “Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rom Vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng”, “Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng các Đề án bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa này để tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào dân tộc số một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài ra, để đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bảo Khmer trong tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, cũng như hỗ trợ cho 03 đoàn nghệ thuật Dù Kê và 01 đoàn nghệ thuật Rô Băm tư nhân hoạt động. Hàng năm, chỉ đạo Đoàn Nghệ thuật Khmer xây dựng mới nhiều chương trình ca múa nhạc, vở diễn sân khấu Dù Kê tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: một số đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm nhiều đến việc bảo tồn các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình; kinh phí đầu tư bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn; những người nắm giữ các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ít dần. 

Từ thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số thời gian qua, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với việc bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình; biên soạn tài liệu, giáo trình và mở lớp các tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để các nghệ nhân - những người đang nắm giữ tri thức dân ca, dân vũ, dân nhạc được giao lưu, học hỏi và giới thiệu về dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình; xây dựng và tổ chức hiện tốt các đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, khai thác phục vụ phát triển du lịch; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách đãi ngộ đối với người truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư kinh phí nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh./.

Nhật Nam

Nguồn: Sở VHTT&DL Sóc Trăng

Cùng chuyên mục