Hoạt động của ngành

Cao Bằng: Bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề

Cập nhật: 17/06/2021 10:47:00
Số lần đọc: 907
Dân ca Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh) là vốn văn hóa dân gian độc đáo với sự hòa quyện tinh tế, sinh động của nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật diễn xướng, trang phục, đạo cụ và âm nhạc làm say đắm lòng người, tuy nhiên trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay Dá Hai đang có nguy cơ mai một.

Biểu diễn tiết mục văn nghệ Dá Hai tại Lan Home’stay, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy dân ca Dá Hai, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì triển khai đề tài khoa học “Bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh”, Chủ tịch Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lê Chí Thanh chủ nhiệm đề tài.

Đề tài được triển khai thực hiện trong thời gian 30 tháng (từ tháng 4/2020 - 10/2022). Bằng tình yêu, niềm đam mê với văn hóa truyền thống, Chủ nhiệm đề tài Lê Chí Thanh, Chủ tịch Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh và nhóm tác giả nghiên cứu đề tài khoa học đánh giá đúng thực trạng dân ca Dá Hai. Nghiên cứu quá trình lịch sử hình thành dân ca Dá Hai; điều tra, khảo sát, sưu tầm, kiểm kê các làn điệu Dá Hai để bảo tồn.

Quay phim, ghi hình về tập quán sinh hoạt hát Dá Hai của người Nùng thị tứ Thông Huề để làm tư liệu bảo tồn, lưu giữ và tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình. Đề xuất các giải pháp bảo tồn dân ca Dá Hai, hình thành bộ tài liệu về Dá Hai phục vụ cho học tập, lưu trữ.

Phục dựng đội tuồng Dá Hai mang tên mới: Đội Văn nghệ Dá Hai Thông Huề, trình diễn các tích truyện cổ, các bài hát mới đương đại, đủ khả năng hoạt động, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương gắn với phát triển du lịch và trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của huyện Trùng Khánh. Biên tập bộ tài liệu phục vụ công tác truyền dạy dân ca Dá Hai về toàn bộ các làn điệu Dá Hai, trích đoạn một tích truyện cổ, các bài hát đặt lời mới tiếng Tày, Nùng và lời bằng tiếng phổ thông mang hơi thở cuộc sống hiện nay.

Tổ chức lớp truyền dạy ngắn ngày cho thế hệ trẻ, đánh giá kết quả thực hiện. Phát huy và phát triển giá trị loại hình dân ca Dá Hai, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với nhiệm vụ du lịch của địa phương, làm cho di sản Dá Hai trường tồn cùng dân tộc trong thời đại ngày nay. Kết quả của đề tài sẽ là cơ sở, là căn cứ lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận Dá Hai là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, nhóm tác giả đề tài đã thu thập thông tin từ các tài liệu tham khảo, từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh, cán bộ văn hóa xã Đoài Dương, Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc xã Đoài Dương. Đồng thời, phỏng vấn thực tế các nghệ nhân am hiểu về loại hình Dá Hai.

Kết quả, đã khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh - chiếc nôi dung dưỡng di sản văn hóa Dá Hai; xuất xứ hình thành và quá trình hoạt động của đội tuồng Dá Hai Thông Huề; âm nhạc và lời ca của nghệ thuật sân khấu Dá Hai; mối quan hệ giữa các đội tuồng Dá Hai và sự ảnh hưởng giao thoa âm nhạc và lời ca Dá Hai; nguyên nhân mai một dân ca Dá Hai; giải pháp bảo tồn và phát huy Dá Hai. Đã thống kê được 10 làn điệu Dá Hai và những người có khả năng am hiểu, trình diễn Dá Hai. Tháng 4/2021, tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh”.

Từ kết quả khảo sát thực trạng và tìm hiểu nguyên nhân, đề tài  đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển Dá Hai. Trước hết là nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nói chung và cho đồng bào dân tộc Nùng xã Đoài Dương nói riêng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về di sản văn hóa Dá Hai. Tác giả đề xuất việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa Dá Hai tại xã Đoài Dương một cách khoa học và có hệ thống để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Việc bảo tồn Dá Hai phải gắn với đời sống cộng đồng, xây dựng các tổ, đội văn nghệ, nhân rộng các mô hình điểm và hướng dẫn người trẻ dân tộc Nùng tại địa phương về các điệu hát Dá Hai truyền thống; phát động việc sáng tác các bài hát Dá Hai mới…

Ngoài ra, đưa Dá Hai vào các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động khác trong trường học. Theo đó, xây dựng môi trường học tập gắn với xây dựng môi trường văn hóa, tổ chức các buổi ngoại khóa, mời các nghệ nhân hát Dá Hai đến giao lưu, biểu diễn; tổ chức các câu lạc bộ bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa dân tộc trong trường phổ thông để sưu tầm, truyền dạy các điệu hát Dá Hai.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh”.

Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La cho biết: Đội tuồng Thông Huề được thành lập khoảng năm 1956 và phát triển thịnh hành đến cuối năm 1962. Sau đó, do nhiều yếu tố khách quan, dân ca Dá Hai Thông Huề dần bị mai một. Các thế hệ sau biết và trình diễn được Dá Hai ngày càng ít. Đến nay, một số nghệ nhân tuổi đã cao, các hoạt động phục dựng và bảo tồn Dá Hai chưa đạt hiệu quả cao.

Các làn điệu dân ca Dá Hai Thông Huề hiện nay đang duy trì, trình diễn là trích đoạn nhỏ do Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc xã Đoài Dương sưu tầm, bảo tồn. Đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Dá Hai Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh” được triển khai thực hiện là tín hiệu mừng đối với địa phương, điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục quan tâm đưa vào chương trình công tác trọng tâm nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Dá Hai gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Trên cơ sở sản phẩm khoa học của nhóm nghiên cứu đề tài, phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho huyện chỉ đạo xây dựng đội văn nghệ Dá Hai chuyên phục vụ khách du lịch. Lấy đội văn nghệ Dá Hai Thông Huề làm nòng cốt nhằm bảo tồn, gìn giữ Dá Hai hiệu quả, vừa góp phần phát triển du lịch bền vững, đồng thời, tạo thu nhập, nâng cao giá trị tinh thần cho nhân dân.

Có thể nói đề tài là công trình tâm huyết đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Qua những kết quả bước đầu của đề tài, chúng ta có thể hình dung khái quát vừa cụ thể về diện mạo, đặc điểm, vẻ đẹp, những nét đặc sắc, độc đáo của dân ca Dá Hai. Với sự tâm huyết, tận tâm của chủ nhiệm đề tài Lê Chí Thanh và nhóm tác giả đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung đề tài đảm bảo chất lượng, tiến độ trong thời gian tới./.

Nguồn: Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng

Cùng chuyên mục