Bạc Liêu: Huyện Vĩnh Lợi khai thác sản phẩm OCOP để phát triển du lịch
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ Cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh trưng bày các sản phẩm OCOP phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và du khách. Ảnh: H.T
ĐẶC SẢN LÊN NGÔI
Qua 2 năm thực hiện, chương trình OCOP đã giúp Vĩnh Lợi từng bước phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân và tạo dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực. Hiện toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó huyện góp mặt 6 sản phẩm được xếp hạng từ 3 - 4 sao, gồm: khô cá kèo (Cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh); rượu vang Vallenstina (Cơ sở sản xuất rượu vang Lâm Vũ); khô cá kèo, khô cá lóc, mắm cá đồng (Cơ sở sản xuất kinh doanh Xuân Thảo) và muối tinh Bạc Liêu (Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu).
Thành quả bước đầu của chương trình OCOP đã tạo sự đồng thuận, khơi dậy chí làm giàu chính đáng trong Nhân dân. Điều này thể hiện qua việc người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Không dừng lại ở khâu sản xuất, người dân còn ra sức quảng bá, tìm cách đưa sản phẩm OCOP vào phát triển DL.
Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ Cơ sở sản xuất khô Kiều Hạnh (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) - chủ thể sản phẩm khô cá kèo đã mở một cửa hàng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Sau một thời gian hoạt động, Cơ sở Kiều Hạnh đã trở thành điểm ký gửi uy tín của nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Vĩnh Lợi. Do nằm gần chùa Giác Hoa nên cửa hàng ngày càng được khách hành hương biết đến và mua dùng sản phẩm.
Chị Cẩm Tú chia sẻ: “Ban đầu, cửa hàng chỉ trưng bày một số loại cá khô nên sản phẩm có phần đơn điệu, khó thu hút khách hàng. Rồi tôi nảy ra suy nghĩ phải liên kết các sản phẩm OCOP lại và nhờ Sở Công thương làm cầu nối vận động các chủ thể ký gửi sản phẩm tại cửa hàng. Nhờ đó mà các sản phẩm bán chạy hơn, du khách cũng bắt đầu biết và tin dùng các đặc sản của Bạc Liêu nhiều hơn”.
KHAI THÁC GIÁ TRỊ DU LỊCH
Tuy nhiên trên thực tế, việc đưa thành quả của chương trình OCOP vào phát triển DL của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chưa có sự gắn kết giữa các điểm DL với sản phẩm OCOP. Ngoại trừ TP. Bạc Liêu, Vĩnh Lợi là địa phương còn lại trong tỉnh có điểm DL tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Nơi đây còn sở hữu các điểm tham quan, hành hương nổi tiếng như: chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện, tháp cổ Vĩnh Hưng… Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng những tua, tuyến DL từ sự kết nối giữa điểm DL và điểm giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - Từ Minh Phúc giao cho các ngành huyện tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm DL nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP đặc trưng. Đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn, các chủ thể có sản phẩm OCOP xây dựng câu chuyện về sản phẩm; chú trọng công tác tuyên truyền về chương trình OCOP thông qua phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng website, các hội nghị về DL; vận động các chủ thể tích cực tham gia hội chợ thương mại - DL để lan tỏa hình ảnh sản phẩm OCOP của huyện.
Cũng trong giai đoạn trên, Vĩnh Lợi phấn đấu sẽ được công nhận thêm 12 sản phẩm OCOP, tăng cường hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện quy trình sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo chủ động cung ứng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP.
Khai thác giá trị nông nghiệp gắn với DL đang là xu thế mới được nhiều địa phương trong nước thực hiện. Nếu tận dụng được những lợi thế vốn có từ sản phẩm OCOP cùng sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, nhất là Sở VH-TT-TT&DL thì hoạt động DL ở Vĩnh Lợi mới có thể tạo được khởi sắc trong tương lai, giúp nông dân đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình.
HỮU THỌ