Bánh trứng kiến của người Mông
Món bánh độc đáo với nhân được làm từ trứng kiến đen.
Cùng với bánh tréo kheo, bánh nẳng, thì bánh trứng kiến là một loại bánh đặc sản, mang nhiều ý nghĩa của bà con dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Càng thú vị hơn khi tìm hiểu về bánh trứng kiến, chúng tôi biết rằng, vẫn còn nhiều thanh niên Mường giữ phong tục ra xuân làm bánh trứng kiến mang biếu bố, mẹ vợ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Văn Trọng, xóm Bún, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) chia sẻ: Lớn lên đã nghe các cụ truyền lại phong tục vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, khi bắt đầu đến mùa trứng kiến thì thanh niên Mường sẽ lên rừng đi lấy trứng kiến (còn gọi là củng ngaạt – PV) về làm bánh. Những chiếc bánh đầu tiên của mùa bánh trứng kiến sẽ được dùng để làm quà biếu bố, mẹ vợ.
Đối với người Mường, bánh trứng kiến là một loại bánh đặc sản, để có được một chiếc bánh phải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, cầu kỳ nên việc dùng bánh này để làm quà biếu bố, mẹ vợ là thể hiện sự tôn trọng, biết ơn.
Điểm khác biệt lớn nhất của bánh trứng kiến với các loại bánh khác là bánh có nhân được làm từ trứng kiến. Tuy nhiên, không phải trứng kiến nào cũng ăn được. Chỉ duy nhất trứng loài kiến đen rừng có thân nhỏ, đuôi nhọn thường làm tổ trên các cây tre, nứa, giang, vầu… là ăn được và có vị thơm, ngon, béo ngậy.
Cũng chỉ những người thành thục đi rừng, hay đi lấy trứng kiến mới biết cách phân biệt, tìm vị trí kiến làm tổ để thu trứng. Trứng kiến sau khi thu về cần được sử dụng để làm nhân bánh ngay, trứng kiến để lâu sẽ bị ôi thiu, hỏng.
Quy trình làm bánh kiến tuy không quá cầu kỳ nhưng cũng cần phải có sự khéo léo của người làm. Bà Bùi Thị Ỏm, xóm Khang Đình, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) chia sẻ: Để làm được bánh kiến ngon thì điều quan trọng nhất là phải chế biến được nhân bánh thơm ngon. Có nhiều người làm bánh kiến thường phi thơm trứng kiến với hành mỡ, trộn thêm thịt băm và lạc giã nhỏ nhưng gia đình tôi thường chỉ phi thơm hành mỡ rồi trộn với trứng kiến sống để làm nhân.
Cách làm đó khiến cho nhân bánh có vị thơm ngon đặc trưng của trứng kiến. Phần vỏ được làm từ gạo nếp nương, hạt to. Gạo đem đãi sạch ngâm với nước lạnh qua đêm, để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo, mịn, chia bột thành các nắm nhỏ, cán bẹt rồi cho nhân là trứng kiến vào giữa. Bánh được gói bằng lá vả bánh tẻ.
Lớp lá bên trong ăn được cùng với bánh, nếu lá non quá sẽ không giữ được hình dạng bánh, lá già quá sẽ có sơ, chát, ăn không ngon. Lớp lá gói ngoài cùng là lá vả già cho kín bánh. Bánh đồ khoảng 30 phút là chín. Bánh đồ chín vừa sẽ đảm bảo độ dẻo, thơm ngon, nếu đồ quá sẽ bị nhão.
Bánh trứng kiến khi đã đồ chín thường được dùng dao cắt thành miếng nhỏ, dưới lót lá vả tươi. Bánh có thể ăn nóng hoặc nguội sẽ có vị ngon riêng nhưng người thưởng thức đều sẽ cảm nhận được độ dẻo ngon của gạo nếp, man mát của lá vả và đặc biệt là vị thơm ngon, đậm đà, bùi ngậy của nhân trứng kiến bên trong. Ngày nay, tuy đã có rất nhiều loại quà bánh nhưng bánh trứng kiến vẫn đặc biệt được người Mường yêu thích bởi hương vị, bản sắc rất riêng.