Bảo tồn nếp nhà sàn của người Tày ở Phú Nhuận (Lào Cai)
Nếp nhà sàn của người Tày ở Phú Nhuận vẫn được gìn giữ.
Người Tày ở Phú Nhuận sống quần tụ ở cụm 5 thôn Nhuần. Điều thường thấy là người Tày sống định cư thành từng cụm dân cư dưới chân đồi, ven sông, suối. Trước đây, do xung quanh nhiều đồi núi, người Tày làm nhà sàn để tránh thú dữ. Cột nhà, sàn, cầu thang của những ngôi nhà truyền thống đều được làm từ gỗ, mái lợp lá cọ. Khu vực phía trên là nơi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, còn gầm sàn là nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà…
Đến vùng đồng bào Tày ở Phú Nhuận hôm nay, chúng tôi thấy còn rất ít ngôi nhà sàn truyền thống. Theo tháng năm, những ngôi nhà cũ đã được sửa chữa, tôn tạo lại cho kiên cố hơn. Thêm vào đó, khi cuộc sống có nhiều đổi thay, người Tày dần thay đổi theo nếp sống mới. Chuồng trại chăn nuôi được các hộ làm xa nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi nguồn gỗ dần trở nên khan hiếm, cột nhà được làm bằng bê tông; mái được lợp bằng ngói, tôn hoặc lá cọ.
Theo thống kê của địa phương, toàn xã hiện có khoảng 200 ngôi nhà sàn, gồm cả nhà sàn truyền thống và nhà cách tân. Dù vật liệu làm nhà sàn đã có sự thay đổi và đồng bào Tày có nhiều sáng tạo để cải tiến ngôi nhà cho phù hợp với điều kiện thực tế nhưng giá trị truyền thống của nếp nhà sàn vẫn được người dân bảo tồn.
Để gìn giữ nét đẹp văn hóa này của người Tày, Đảng ủy xã Phú Nhuận đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, trong đó có nội dung bảo tồn số nhà sàn hiện có, đồng thời phấn đấu làm mới 25 - 30 ngôi nhà sàn kiên cố. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lý, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận, để thực hiện được, chính quyền xã xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ tôn tạo, sửa chữa những ngôi nhà sàn hiện có, giữ gìn vệ sinh nhà ở, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình trẻ làm những ngôi nhà sàn mới để nét văn hóa độc đáo này của dân tộc Tày không mai một theo thời gian./.