Hải Dương: Khai hội truyền thống Văn miếu Mao Điền 2019
Tiết mục trống hội tại Lễ hội truyền thống Văn Miếu Mao Điền và Ngày hội sách xuân 2019
Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, một trong những điểm mới của chương trình Lễ hội Văn miếu Mao Điền năm nay là lần đầu tiên trưng bày chủ đề “Trường thi HươngTrấn Hải Dương tại Mao Điền” với những hiện vật như lều chõng, gánh sách, bút nghiên của các sỹ tử nho sinh ngày xưa và các hình ảnh thi cử nho học, các thể lệ thi được trưng bày tại khu vực phía Tây nhà bia tiến sỹ nho học.
Các du khách, đặc biệt là thanh thiếu niên đến với lễ hội rất thích thú với mô hình trưng bày này. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay” và chuyên đề giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức Thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích.
Cũng trong những ngày diễn ra lễ hội, tại di tích còn nhiều hoạt động đặc sắc như: trình diễn nghệ thuật thư pháp, triển lãm hoa lan với chủ đề “Sắc xuân Văn miếu Mao Điền;” trưng bày ảnh “Đất và người xứ Đông;” trình diễn thi đấu cờ người; thi Rung chuông vàng tìm hiểu về lịch sử văn hiến xứ Đông và lịch sử danh nhân thờ tại Văn miếu Mao Điền, thi viết chữ đẹp...
Văn miếu Mao Điền là di tích lớn đứng thứ 2 trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, là nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng từ thế kỷ 15 tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An đến thời Quang Trung cuối thế kỷ 18 Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền sáp nhập với trường thi tạo thành trung tâm văn hóa, giáo dục hàng đầu cả nước.
Văn miếu Mao Điền hiện thờ Đức thánh Khổng Tử và phối thờ tám vị Đại khoa tiêu biểu các lĩnh vực là người Hải Dương cũng như các danh nhân có liên quan sâu sắc với mảnh đất Hải Dương như nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh (danh nhân thời Trần), anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Thần toán Việt Nam Tiến sỹ Vũ Hữu (thời Lê), Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nữ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc).
Trong những năm qua, Văn miếu Mao Điền luôn nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như các cá nhân, doanh nghiệp, dòng họ đầu tư trùng tu, tôn tạo.
Gần đây nhất, năm 2018, di tích đã được đầu tư kinh phí mở rộng khuôn viên và khắc dựng 14 tấm bia đề danh 637 vị tiến sỹ. Việc mở rộng và khắc dựng hệ thống bia tiến sỹ đã góp phần làm cho diện mạo Văn miếu Mao Điền thêm khang trang.
Di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, xứng tầm với một biểu tượng văn hiến xứ Đông.
Ngày nay, Văn miếu Mao Điền là một thắng cảnh đẹp, điểm du lịch văn hóa tâm linh, niềm tự hào Văn hiến tỉnh Đông, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, dâng hương, chiêm bái. Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2019, Văn miếu đã đón 20.000 lượt khách.
Được tổ chức hàng năm vào ngày 18/2 âm lịch, Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền là một dịp để các thế hệ người Hải Dương hôm nay tỏ lòng tri ân với các bậc Đại khoa, nguyện kế tục và phát huy giá trị của di tích và tô thêm truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Cũng dịp này, hưởng ứng ngày sách Việt Nam (21/4), Ban Tổ chức đã khai mạc Ngày hội sách Xuân 2019. Hội sách với sự góp mặt của những nhà sách lớn của Hải Dương và Hà Nội, giới thiệu và bán 600 đầu sách với 4.000 cuốn sách là những ấn phẩm có giá trị.
Ngày hội sách Xuân nhằm tôn vinh đạo học, tôn vinh giá trị sách, giá trị tri thức, khẳng định giá trị truyền thống hiếu học và ham đọc của người xứ Đông Văn hiến, qua đó góp phần phát triển xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã trao tặng tủ sách khuyến học tặng trường tiểu học Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương với mong muốn khuyến khích phong trào xây dựng thư viện trường học phát triển./.