Bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch ở Gia Lai
Đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ) biểu diễn tại Tuần lễ Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku năm 2020. Ảnh: Nhật Hào
Phát huy vai trò chủ thể
Được thành lập năm 2008, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ) là một trong những “hạt nhân” quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Jrai trên địa bàn TP. Pleiku.
Với vai trò Đội trưởng, anh Siu Thưm chia sẻ: “Làng hiện có 2 đội cồng chiêng gồm đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng thanh-thiếu niên. Nhờ tích cực tập luyện, đến nay, các thành viên trong đội đều đã chơi thành thục một số bài chiêng quen thuộc như: Mừng chiến thắng, Mừng lúa mới, Mừng nhà rông, Rước nước về làng…”.
Những năm gần đây, đội thường xuyên được mời tham gia biểu diễn tại một số sự kiện lớn như: lễ hội Giao thừa; Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Tuần lễ Văn hóa Du lịch TP. Pleiku… Em Puih H’Ly chia sẻ: “Từ khi tham gia đội cồng chiêng, em được tập luyện và biết nhiều bài chiêng, bài xoang. Em thấy rất vui vì hoạt động này giúp em hiểu và yêu thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Em cũng tự hào vì được tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện của tỉnh và thành phố tổ chức”.
Tương tự, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi) cũng đã tạo dấu ấn ở nhiều lễ hội. Đội được thành lập năm 2015 với 30 thành viên từ 8 đến 18 tuổi, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ: chơi đàn goong, đánh đàn t’rưng, đánh chiêng... Tối thứ bảy hàng tuần, đội tập trung tập luyện. Không khí mỗi buổi tập luyện đều sôi nổi, hào hứng.
Đội cũng tham gia nhiều cuộc thi do thành phố tổ chức và được mời biểu diễn ở một số nhà hàng trên địa bàn phường Thắng Lợi. “Được tham gia nhiều cuộc thi, sự kiện và biểu diễn ở nhà hàng, các thành viên trong đội có điều kiện để rèn luyện sự tự tin khi biểu diễn trước đám đông”-anh Siu Luk-Bí thư Chi Đoàn làng Chuét 2-cho hay.
Nỗ lực gìn giữ
Từ năm 2016, Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku phối hợp với Phòng Dân tộc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các phường: Hoa Lư, Chi Lăng, Thắng Lợi và 2 xã: Chư Á, Biển Hồ. Mỗi lớp học có 30-40 học viên bao gồm người lớn và thanh-thiếu niên để hỗ trợ nhau tập luyện. Lớp học được các già làng, nghệ nhân chỉnh chiêng có nhiều kinh nghiệm chỉ dạy cách đánh cồng chiêng, múa xoang.
Đặc biệt, 2 năm nay, Phòng Văn hóa-Thông tin và Phòng Dân tộc TP. Pleiku còn mời giảng viên chuyên ngành văn hóa nghệ thuật về giảng dạy để nâng cao chất lượng cho các đội cồng chiêng. Sau khi kết thúc các lớp truyền dạy, những làng nào không còn cồng chiêng sẽ được tặng 1 bộ để duy trì tập luyện và biểu diễn. Hàng năm, TP. Pleiku cũng đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn và ưu tiên các đội tham gia biểu diễn tại những sự kiện của địa phương nhằm trau dồi, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Năm 2019, đội cồng chiêng làng Ốp (phường Hoa Lư) đã tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng và được tặng 1 bộ cồng chiêng gồm 22 chiếc. Từ ngày được hỗ trợ bộ cồng chiêng, vào vào tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên tổ chức tập luyện và nhận được sự cổ vũ của người dân trong làng. Một số thành viên của đội cũng được tham gia cùng đội cồng chiêng người lớn biểu diễn tại nhà hàng Plây Cồng chiêng (làng Ốp) để du khách thưởng thức và tìm hiểu về văn hóa của người dân bản địa.
Anh Rah Lan Thắng-Bí thư Chi Đoàn làng Ốp-chia sẻ: Mỗi lần được biểu diễn tại nhà hàng, đội cồng chiêng làng Ốp luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của du khách. Họ còn trải nghiệm đánh chiêng và được các thành viên trong đội hướng dẫn nhiệt tình.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Thời gian tới, ngoài tiếp tục mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, TP. Pleiku sẽ cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện để các đội cồng chiêng được biểu diễn tại các sự kiện của địa phương cũng như phục dựng lại các lễ hội truyền thống nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân vừa góp phần thúc đẩy du lịch phát triển”.