Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước (Thanh Hóa)
Rước kiệu vào lễ hội và tế lễ diễn ra vô cùng đặc sắc
Truyền thuyết mang tính nhân văn
Tương truyền, thuở xa xưa, khi Sầm Sơn còn là vùng biển hoang vu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, lại thường xuyên bị loài quái thú hung ác quấy phá. Một chàng trai với sức khỏe phi thường đã xuất hiện. Để bảo vệ dân lành, chàng đã xẻ thân mình làm đôi. Một nửa ở trên bờ dạy dân làm ăn, sinh sống, nửa kia ra khơi xa, bảo vệ ngư dân, tiêu diệt loài quái thú hung dữ. Khi cuộc sống yên bình trở lại với cư dân vạn chài thì cũng là lúc vị thần về trời. Tri ân công ơn của thần, Nhân dân Sầm Sơn đã dựng đền thờ thần ngay trên hòn Cổ Giải của núi Trường Lệ và đặt tên là Độc Cước (một chân) và tổ chức lễ hội cầu phúc vào ngày 16 – 2 âm lịch hằng năm, với ước mong cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho tôm cá đầy khoang, Nhân dân no ấm…
Lễ hội ghi nhớ công ơn tiền nhân
Lễ hội đền Độc Cước diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống thể hiện sự thành kính của người dân với đấng thần linh và các vị tiền nhân: Tổ chức làm và rước bánh dày dâng lễ; rước kiệu; tế lễ (tế vào đám và tế ra đám). Bên cạnh, lễ hội còn có các trò chơi dân gian: Đi cà kheo, múa lân, kéo co, đẩy gậy, cờ người... Trong đó, nghi thức rước kiệu vào hội vô cùng đặc sắc. Đó là khi người dân ở 11 xã phường trên địa bàn TP. Sầm Sơn với kiệu rước, cờ, phướn, áo, mũ, mâm lễ… trong trang phục truyền thống cùng nối nhau tạo thành dòng người kéo dài khắp con đường Hồ Xuân Hương bên bờ biển ầm ào sóng vỗ. Tất cả tạo nên một không khí lễ hội vô cùng hấp dẫn.
Tham dự lễ hội đền Độc Cước, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian linh thiêng của một trong những lễ hội vùng biển đặc trưng bậc nhất của người dân xứ Thanh, mà còn được cảm nhận về nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất và con người vùng biển Sầm Sơn.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, lễ hội cầu phúc đền Độc Cước vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019./.
Nguyễn Hồng (th)