Bình Liêu phát triển dịch vụ du lịch
Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của huyện Bình Liêu.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, thời gian qua, dịch vụ du lịch là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao trong tổng thể kinh tế - xã hội của Bình Liêu. Tính đến đầu tháng 10/2019, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 18,4 tỷ đồng, bằng 87,68% kế hoạch năm, tăng 33,38% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 10 - tháng được coi là mùa cao điểm của du lịch Bình Liêu, lượng khách đến Bình Liêu ước đạt khoảng 74.000 lượt, trong đó, khách lưu trú đạt gần 11.500 lượt, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Để thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Bình Liêu xác định kết cấu hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch là yếu tố cốt lõi, cần được quan tâm nâng cao chất lượng. Từ đó, huyện đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã và từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 80% các tuyến đường trục và liên thôn, bản đã được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Nhất là tại các tuyến, điểm du lịch được huyện quy hoạch, hệ thống giao thông đã và đang được đảm bảo tốt.
Song song với đó, hạ tầng dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch cũng có bước phát triển mạnh trong thời gian qua. Từ xuất phát điểm chủ yếu là những cơ sở lưu trú tự phát theo loại hình homestay nhưng chưa được thẩm định, công nhận, đến nay Bình Liêu có 17 cơ sở lưu trú với 197 phòng phục vụ du khách. Trong đó có 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Huyện cũng chủ động làm tốt công tác quản lý chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn, như: Homestay, cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc, phục vụ ăn uống...
Đồng thời, tập trung cho các hoạt động quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, như: Đăng tải các clip, tin, bài, hình ảnh quảng bá trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của huyện và các trang mạng xã hội facebook, youtube; nghiên cứu xây dựng website có liên kết đến các trang của cơ quan chuyên môn, đơn vị lữ hành; tổ chức quản lý tốt các hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật tại các tuyến, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống phục vụ khách du lịch. Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh khảo sát thu thập thông tin, hình ảnh các tuyến điểm, thống nhất đề cương xây dựng Cẩm nang Du lịch Bình Liêu và tờ rơi tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Bình Liêu với 3 thứ tiếng (Việt - Trung - Anh).
Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư vào các tuyến, điểm du lịch. Đến nay, Dự án Khu du lịch cộng đồng xã Lục Hồn và Khu du lịch sinh thái thác Khe Vằn đang được các đơn vị khẩn trương nghiên cứu lập quy hoạch. Nhiều dự án khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư, như: Dự án khu du lịch Cao Ba Lanh, khu du lịch Sông Moóc, khu du lịch sinh thái Cao Ly, điểm du lịch rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm)... Đồng thời, huyện triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ du lịch, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Trong đó, chú trọng phân công, bố trí hướng dẫn viên du lịch phục vụ dẫn đoàn tham quan các điểm du lịch trên địa bàn; khảo sát, lên phương án lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh di động... tại các tuyến, điểm du lịch đường biên, cột mốc biên giới, núi Cao Ly - Húc Động...
Với định hướng phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ du lịch có trọng tâm, trọng điểm cùng nhiều giải pháp cụ thể, ngành công nghiệp “không khói” của Bình Liêu chắc chắn sẽ có những bước phát triển./.