Hoạt động của ngành

Nguồn gốc và truyền thống văn hóa của người Tày Quảng Ninh

Cập nhật: 05/11/2019 07:54:58
Số lần đọc: 1819
Người Tày ở Quảng Ninh có số lượng lớn thứ ba sau dân tộc Kinh và dân tộc Dao, chiếm 2,88% dân số toàn tỉnh. Trong đó, Bình Liêu là huyện tập trung đông nhất cộng đồng dân tộc Tày sinh sống với gần 14.000 người, chiếm 44% số đồng bào Tày toàn tỉnh.


Người Tày ở xã Tình Húc, huyện Bình Liêu tập hát Then bên suối. Ảnh: Phạm Học.

Người Tày được hình thành trong mối quan hệ đa dạng và có sự giao lưu với các tộc người khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên, về cơ bản người Tày ở Việt Nam gồm có: Bộ phận người Tày bản địa, bộ phận người Tày gốc Kinh, bộ phận người Nùng hóa Tày và bộ phận người Tày thuộc các nhóm đồng tộc khác đến từ phía Bắc.

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, quanh khu vực thành Cổ Loa hiện vẫn còn tồn tại các địa danh có yếu tố “Nà” – vốn là tên gọi địa danh phổ biến ở vùng người Tày. Hoặc vào các dịp lễ hội đầu năm, ở khu vực dân cư quanh đền Hùng có tục nấu xôi ngũ sắc – là loại xôi người Tày, Nùng thường dùng để cúng tổ tiên vào dịp tết mồng 3 tháng 3. Đây có thể coi là một trong những chứng cứ về sự có mặt của người Tày cổ ở nước ta nói chung và khu vực Việt Bắc nói riêng. Bộ phận người nói ngôn ngữ Tày – Thái cổ ở vùng thượng du, trải qua thời gian cùng với sự diễn biến của các quá trình lịch sử tộc người, cùng với sự phân định biên giới Việt - Trung đã dần tách ra khỏi tộc người – ngôn ngữ Choang ở vùng Lưỡng Quảng mà hình thành nên tộc người Tày ở Việt Nam.

Trong trí nhớ của những người cao tuổi ở Bình Liêu, khi giới thiệu tên với người của các dân tộc khác (Dao, Sán Chỉ, Hoa), nhiều người Tày vẫn thường dùng từ Thủ nhằn (Thổ nhân – người Thổ) kèm theo để giới thiệu mình là người Tày. Điều này góp phần khẳng định về nguồn gốc của người Tày ở Bình Liêu.

Có ý kiến cho rằng, tên gọi Tày bắt nguồn từ cách nêu đặc điểm của nhóm người chuyên nghề cày ruộng, làm lúa nước, nông cụ tiêu biểu là chiếc cày. Trong tiếng Tày - Thái cổ, cày gọi là mạc thay hay thây rồi biến âm thành Tày và Thái, bằng dụng ý rõ ràng hơn khi người Tày được gọi là Cần Nà - Người cày ruộng. Người Tày nói chung đều tự nhận là Cần Tày, tuỳ theo từng nơi có tên Tày bốc (Tày cạn) sống ở vùng núi và Tày nặm (Tày nước) làm bản, dựng nhà dưới thung lũng nhiều sông, suối.

Các dân tộc khác gọi một bộ phận người Tày ở Bình Liêu là người Phian (phen), ngay cả một số bộ phận người Tày ở Bình Liêu cũng tự xưng với tên gọi cần Phen. Theo tài liệu Điều tra xã hội và lịch sử người Choang Quảng Tây thì người Phén ở huyện Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh cũng là một bộ phận cấu thành nên người Tày ở Việt Nam. Người Phén là một chi hệ của người Choang, có ước chừng hơn 1 vạn người, cư trú ở hai xã Bản Ba và Động Trung thuộc huyện Phòng Thành, Quảng Tây (nơi tiếp giáp với huyện Bình Liêu, Quảng Ninh).

Theo địa chí địa phương này thì vào đời Thanh, họ cư trú ở khu vực thuộc đất của Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam, vì ở nơi hoang vu, hẻo lánh nên mới có tên gọi là Pianren – Thiên nhân. Trong tiếng Hán, hai chữ Pianpi – thiên tịch, nghĩa là hoang vu, hẻo lánh, tên gọi phén có lẽ là âm đọc trại của từ Pian mà ra. Tổ tiên của người Phén là ở huyện Thượng Tư, Quảng Tây, chuyển đến cư trú ở biên giới Việt Trung, sau đó chuyển cư dần sâu vào Việt Nam, có mặt ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, người Phén ở khu vực Phòng Thành vẫn tiếp tục chuyển cư qua lại giữa hai khu vực cư trú của hai nước: từ năm 1922 đến năm 1949 có tới 173 hộ dân ở xã Động Trung, huyện Phòng Thành chuyển cư sang Việt Nam, chiếm 22,3% hộ dân ở xã này. Mặt khác, từ sau năm 1950 lại có không ít người Phén từ Việt Nam quay trở lại Phòng Thành.

Tài liệu “Người Choang, các dân tộc ít người vùng biên giới Việt – Hoa trong triều đại nhà Tống” do Ngô Bắc dịch có viết: “Sắc dân Choang (Zhuang) miền Nam nước Trung Hoa là những dân tộc ít người đông nhất ở Trung Hoa. Tại Việt Nam, người dân Choang được xác định trong lịch sử là người Nùng, và gần đây hơn như sắc dân hỗn hợp Tày - Nùng, là nhóm đông nhất trong 36 dân tộc ít người của Việt Nam”.

Bình Liêu được coi là vùng đất cổ, có chiều dài đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc là 42,8km.Trong sản xuất nông nghiệp, cư dân Tày ở đây trồng lúa nước, đốt rạ làm phân, trồng dâu nuôi tằm. Trước đây, người Tày ở nhà sàn, ăn trầu; có tục bịt răng bằng vàng hoặc bạc; sùng bái việc bói toán như bói chân gà, tin vào ma quỷ. Cách thức chôn cất người chết sau khi sang cát trong tư thế ngồi (hiện nay người Tày vẫn thực hiện theo cách thức này). Những đặc điểm đó của cư dân Tày ở huyện Bình Liêu nằm trong các đặc điểm chung của người Bách Việt; gần với mô tả của tài liệu Điều tra xã hội và lịch sử người Choang Quảng Tây và tài liệu nói về người Choang ở trên.

Từ các phân tích trên, có thể nói, người Tày ở Bình Liêu chủ yếu là người Tày bản địa (còn gọi là người Thổ), ngoài ra còn có một bộ phận người Tày gốc Choang, Tày, Thái, Nùng từ các nước thuộc Bách Việt xưa thiên di sang đã bị Tày hóa. Đây là cơ sở giải thích cho việc tộc người Tày ở Bình Liêu giữ được văn hóa truyền thống tương đối nguyên vẹn./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục