Bình Phước: Đánh thức… “nàng công chúa”
Là tỉnh “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, địa bàn Bình Phước có đủ các loại địa hình như: đồi núi, đồng bằng, sông hồ, thác, suối, rừng cây, thảm cỏ… Bên cạnh đó, với bề dày truyền thống, trên địa bàn Bình Phước còn có hệ thống di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, Bình Phước còn là vùng đất của 41 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa tinh thần, phục vụ tốt các hoạt động du lịch sinh thái, dã ngoại về nguồn và du lịch văn hóa tâm linh.
Xét về không gian phát triển, từ thành phố Đồng Xoài trẻ trung, năng động tỏa đi các hướng, địa bàn nào cũng hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch. Ví như Bù Đăng có di tích lịch sử, địa chỉ đỏ và lợi thế du lịch văn hóa là Bom Bo; hệ sinh thái có trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, lòng hồ thủy điện… Về Phú Riềng có đền thờ các vua Hùng và Bác Hồ, khu lâm viên Mỹ Lệ… Đến Bù Gia Mập có vườn quốc gia, hệ thống thác nước, rừng cây. Thị xã Phước Long có khu tâm linh núi Bà Rá, Nhà máy thủy điện Thác Mơ. Bù Đốp với nét hoang sơ miền biên ải, các buôn, sóc của đồng bào rộn ràng tiếng cồng, chiêng. Đến Lộc Ninh, Bình Long có hàng loạt di tích lịch sử, cùng các danh lam thắng cảnh đẹp, những công trình kiến trúc cổ xưa. Liền đó là Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú đang vươn mình trở thành các đô thị công nghiệp, dịch vụ, thương mại và phát triển mạnh các loại hình du lịch miệt vườn, văn hóa…
Tuy tiềm năng là vậy nhưng hoạt động du lịch của Bình Phước trong những năm qua còn rất khiêm tốn. Ví như trong năm 2021, Bình Phước chỉ đón 416.800 lượt khách tham quan, đạt 47,27% kế hoạch; doanh thu cả năm chỉ được 238,54 tỷ đồng, đạt 57,20% kế hoạch. Trong khi đó, tỉnh bạn “láng giềng” Tây Ninh chỉ với cáp treo núi Bà Đen, nhưng trong những ngày tết Nguyên đán vừa qua đã đón gần 600 ngàn lượt du khách. Điều này cho thấy, du lịch Bình Phước vẫn như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Nhiều dự án du lịch tuy đã triển khai nhưng vẫn còn ngổn ngang, chưa có điểm kết như Dự án phim trường kết hợp du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), Dự án quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá (thị xã Phước Long)… Hoặc nhiều khu, điểm và dự án du lịch đã đi vào hoạt động nhưng chưa có các hạng mục phụ trợ như dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí… nên chưa định hình được trong tâm trí du khách gần xa cũng như vị trí trên bản đồ du lịch nước nhà.
Để đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”, ngành du lịch Bình Phước có rất nhiều việc để làm. Ngoài sớm hoàn thành đề án phát triển du lịch theo Kế hoạch số 50 của UBND tỉnh, Bình Phước cần ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối các địa bàn thành chuỗi liên hoàn về hệ thống du lịch. Phải xây dựng được nét ẩm thực địa phương, hàng lưu niệm để giúp du khách có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức các món ăn đặc sản. Hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí và các dịch vụ bổ trợ là một trong những yếu tố ưu tiên phát triển song hành với các dự án du lịch. Đặc biệt, tỉnh phải xây dựng được chiến lược quảng bá du lịch, giới thiệu về vùng đất, con người Bình Phước ra khỏi tầm quốc gia để thu hút du khách và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tấn Hòa