Bố Trạch (Quảng Bình): Kích cầu phát triển du lịch trở lại
Được ví như “trái tim” du lịch của Quảng Bình, những năm qua, huyện Bố Trạch đã nỗ lực phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để thu hút lượng du khách đông đảo đến với miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, lượng khách đã sụt giảm đáng kể. Trước biến động đó, Bố Trạch đề ra các giải pháp thích hợp áp dụng trong thời gian tới để kích cầu phát triển du lịch trở lại.
Hiện nay, trên địa bàn Bố Trạch có hơn 170 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 1.600 phòng, gần 3.400 giường, tăng 90,6% so với năm 2016; có 8 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Nha và các xã: Cự Nẫm, Hưng Trạch, Thanh Trạch. Trong giai đoạn 2016-2020, Bố Trạch dự ước đón gần 4 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt 1.132 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 9,7%.
Các tuyến, điểm du lịch tại Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng thu hút sự quan tâm của du khách bốn phương
Thực tế, du lịch ở Bố Trạch đã khẳng định là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội. Hơn thế, ngành “công nghiệp không khói” này tạo ra việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều lao động và làm thay đổi diện mạo các vùng quê trên địa bàn. Trong gần 5 năm qua, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 3.780 lao động; mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 3,8 triệu đồng, năm 2020 đạt 48,1 triệu đồng/kế hoạch 48 triệu đồng, tăng gần 1,7 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% cuối năm 2015, dự ước xuống còn 3% vào cuối năm 2020.
“Tuy nhiên, năm 2020 là một năm đầy khó khăn của ngành du lịch nói chung và du lịch Bố Trạch nói riêng. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tiếp đó là ảnh hưởng của mưa lũ triền miên, gây thêm những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch huyện nhà. Từ đầu năm đến nay, các hoạt động du lịch đã nhiều lần đóng băng vì dịch bệnh và liên tục bị ngưng trệ do thiên tai… Vì vậy, doanh thu giảm, dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế của Bố Trạch”, ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch chia sẻ.
Xác định du lịch là thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở du lịch toàn huyện tích cực khắc phục khó khăn và đề ra nhiều chính sách kích cầu, trong đó có giảm giá các tour, tuyến du lịch… Các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch cũng đã đồng loạt đưa ra các chương trình, biện pháp kích cầu dịch vụ-du lịch phù hợp nhằm thu hút khách, như: giảm giá vé, quảng bá du lịch, làm mới sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của du khách...
Với cảnh quan đặc trưng nông thôn miền Trung Việt Nam, Bố Trạch sẽ sớm triển khai Đề án làng văn hóa, du lịch xã Cự Nẫm.
Bên cạnh đó, các cơ sở vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, du lịch Quảng Bình nói chung, huyện Bố Trạch nói riêng đã có những tín hiệu tích cực, khách du lịch đến Bố Trạch trong dịp lễ năm nay chủ yếu là khách nội địa. Toàn huyện đón gần 8.700 lượt khách, trong đó, khách nội địa 7.792 lượt, khách quốc tế 907 lượt, đạt doanh thu hơn 2,1 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ...
Dù có nhiều cố gắng với các biện pháp tích cực, nhưng doanh thu du lịch của huyện Bố Trạch vẫn giảm đáng kể. Ngành du lịch chưa kịp lấy lại thăng bằng thì đến tháng 7-2020 dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát và thời gian gần đây là ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa bão, lũ lụt.
Theo thống kê của huyện Bố Trạch, hệ thống cơ sở hạ tầng và hoạt động du lịch, dịch vụ tại Phong Nha-Kẻ Bàng bị thiệt hại khá nặng nề sau thiên tai. Trong đó, điểm du lịch sông Chày-hang Tối là một trong những ví dụ. Tại đây, hàng trăm mét cầu gỗ phục vụ di chuyển trong hang động, cầu luồng di chuyển dưới bến sông cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động du lịch đã bị hư hỏng hoặc bị nước lũ cuốn trôi với tổng thiệt hại gần 750 triệu đồng. Nhìn chung, hầu hết cơ sở hạ tầng ở các tuyến, điểm du lịch do Trung tâm du lịch Phong nha-Kẻ Bàng quản lý, như: khu vực trung tâm, nhà hàng Sơn Đoòng, khách sạn Heritage By Night, sông Chày-hang Tối, động Phong Nha đều bị hư hỏng, cuốn trôi với tổng thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là khu du lịch suối nước Moọc với hơn 1,5 tỷ đồng và hiện nay, điểm du lịch này đã tạm dừng hoạt động.
Bố Trạch dự tính, đến cuối tháng 12-2020, tổng lượng khách tham quan là 390.200 lượt, chỉ bằng 40,89% so với cùng kỳ (trong đó, khách trong nước 352.000 lượt, bằng 44,91%; khách quốc tế trên 38.000 lượt, bằng 22,41%). Tổng doanh thu tại các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn đạt khoảng 121 tỷ đồng, bằng 44,10% so với cùng kỳ.
Các đơn vị tích cực tu bổ cơ sở hạ tầng ở các điểm, tuyến, cơ sở lưu trú du lịch ở Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, Bố Trạch sẽ kích cầu du lịch phát triển trở lại với những biện pháp mang tính lâu dài. Trước mắt, Bố Trạch tập trung chỉ đạo ngành du lịch địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả của thiên tai, tu bổ cơ sở hạ tầng ở các điểm, tuyến, các cơ sở lưu trú du lịch; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp tích cực để đón khách trở lại trong thời gian sớm nhất có thể…
Đặc biệt, Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã huy động phương tiện nhân lực khắc phục, sửa chữa các tuyến, điểm du lịch bị hư hỏng, bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan và đề ra những giải pháp kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hiện các ngành chức năng của huyện đang hướng dẫn cho các cá nhân, đơn vị hoạt động du lịch hoàn thiện hồ sơ để huyện xét duyệt hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tiến hành khảo sát các điểm du lịch ở xã Hưng Trạch để xây dựng đề án thành lập làng du lịch Bồng Lai; đồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan khảo sát, triển khai Đề án Làng văn hóa, du lịch xã Cự Nẫm, sớm đưa vào hoạt động với việc tổ chức một số lễ hội, phục vụ và thu hút du khách...
Với những giải pháp căn cơ, hiện nay, một số tuyến, điểm du lịch tại Phong Nha-Kẻ Bàng đã dần đón du khách đến khám phá, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ du lịch. Tín hiệu lạc quan này cho thấy, du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cũng sẽ sớm phục hồi sau ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục khẳng định được vị thế và thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Từ cơ sở đó, Bố Trạch phấn đấu trong năm 2021, tổng lượng khách tham quan là 458.500 lượt, bằng 111,34% so với cùng kỳ; tổng doanh thu tại các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn thị trấn Phong Nha đạt khoảng 140 tỷ đồng, bằng 111,7% so với năm 2020.
Hương Trà
Nguồn: Báo Quảng Bình