Hoạt động của ngành

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò đầu tàu về văn hóa, thể thao và du lịch

Cập nhật: 06/04/2024 14:29:45
Số lần đọc: 447
(TITC) - Sáng 05/4, đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của Thành phố.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TITC

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng Hồ An Phong; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; Cục trưởng Cục Thể dục, Thể thao Đặng Hà Việt; Chánh văn phòng Bộ Nguyễn Danh Hoàng Việt; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong; Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài; đại diện Trường Đại học Thể dục Thể thao, Đại học Văn hóa và Nhạc viện Thành phố.

Về phía Thành phố Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức; Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Trần Thế Thuận cùng đại diện các Sở ban ngành Thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: TITC

Mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu mục đích của buổi làm việc là cùng nhìn lại những kết quả về văn hóa, thể thao và du lịch Thành phố đạt được trong năm 2023, xác định vị lại vị thế, thương hiệu của Thành phố, tập trung tháo gỡ một số khó khăn, điểm nghẽn để văn hóa, thể thao và du lịch Thành phố thực sự phát huy vai trò đầu tàu tạo ra các xung lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Trần Thế Thuận đã báo cáo tình hình phát triển sự nghiệp văn hóa và thể thao của Thành phố và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030.

Bám sát chủ đề năm của Ngành “Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả” và chủ đề năm 2023 của Thành phố “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”, ngành văn hóa và thể thao Thành phố tiếp tục thay đổi căn bản, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ giá trị văn hóa, thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy ngoại giao văn hóa.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TITC

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nước rút các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Ngành văn hóa , thể thao tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn Thành phố.

Với sự nỗ lực cao, cố gắng lớn, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, ngành văn hóa và thể thao Thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên 4 phương diện: về thể chế chính sách, về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa, thể thao và ngoại giao văn hóa.

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, quý I năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và công tác chuẩn bị Hội chợ ITE HCMC lần thứ 18 năm 2024.

Theo đó, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Thành phố tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam; thương hiệu du lịch Thành phố ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế; tập trung thực hiện chủ đề năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ; chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm với môi trường; đẩy mạnh nâng chất các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn; huy động được sự tham gia của các ngành và quận, huyện trong chuỗi sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch; chủ động chuyển đổi số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; tập trung khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực ngành cho Thành phố và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương bạn; triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác với các vùng trong nước và hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; công tác truyền thông được chú trọng và đạt kết quả cao.

Toàn cảnh. Ảnh: TITC

Sở cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế như: thị trường du lịch quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất và lượng; sản phẩm du lịch chưa nổi bật, thiếu các khu phức hợp vui chơi - giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm - ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế; thiếu bến thủy, cầu tàu, môi trường kênh rạch chưa đảm bảo ảnh hưởng đến phát triển các tuyến du lịch đường sông, chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế; hoạt động vận tải hành khách du lịch còn nhiều khó khăn do hạ tầng cơ sở chưa được mở rộng nâng cấp, thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao…

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành du lịch Thành phố trong năm 2024 được đề ra bao gồm: Nâng cao nhận thức về công tác phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Thành phố; thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến du lịch.

Báo cáo về công tác tổ chức hội chợ ITE HCMC 2024, Sở cho biết thời gian dự kiến diễn ra là từ ngày 5 - 7/9/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với chủ đề “Du lịch bền vững, hứa hẹn tương lai” với quy mô tăng từ 10 - 25% so với năm 2023...

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong bày tỏ ấn tượng với vai trò đầu tàu của Thành phố và mong Thành phố phát huy hơn nữa trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường tiềm năng, phát triển du lịch đường sông với những sản phẩm đặc sắc và có liên kết với các địa phương lân cận; thí điểm trung tâm công nghiệp văn hóa.

"Thành phố cần mở băng thông, xúc tiến vận tải, cụ thể là mở đường bay thẳng đến các địa phương, các nước khác với những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho du khách. Khai thác các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa - rất nhỏ như cà phê tour, cà phê vỉa hè, ăn uống vỉa hè, đường phố,... Đặc biệt, cần tận dụng phát huy tiềm năng sông Sài Gòn với các sản phẩm đặc trưng non nước Nam Bộ, thậm chí lưu trú trên sông. Có như thế mới tạo sự bứt phá cho ngành du lịch Thành phố", Thứ trưởng đề nghị.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu. Ảnh: TITC

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những kết quả Thành phố đã đạt được, sự năng động, khát vọng vươn tầm của du lịch Thành phố. Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng nêu ra một số hạn chế của du lịch Thành phố như sản phẩm chưa thể hiện hết được thế mạnh của Thành phố, thiếu khu nghỉ dưỡng sinh thái cộng đồng quy mô lớn, thiếu tổ hợp khu giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm quy mô lớn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, cần có kế hoạch liên kết với các vùng, địa phương cụ thể hơn, tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn an ninh cho du khách.

Góp ý cho định hướng phát triển du lịch Thành phố, Cục trưởng đề nghị Thành phố sớm hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch Thành phố tầm nhìn đến năm 2030; cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; đẩy mạnh liên kết, có chính sách kích cầu du lịch để đẩy nhanh phục hồi; Thành phố cần tập trung vào sản phẩm thế mạnh như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đô thị; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, phát triển kinh tế đêm…

Cục trưởng Cục Thể dục, Thể thao Đặng Hà Việt. Ảnh: TITC

Cục trưởng Cục Thể dục, Thể thao Đặng Hà Việt nêu lên một số vấn đề Thành phố cần quan tâm, như: Thành phố cần nâng cao vị thế đầu tàu về thể dục thể thao, khắc phục sự sụt giảm thành tích trong thời gian qua; việc chia lẻ các môn thể thao về các quận huyện, các trung tâm đơn vị sự nghiệp dẫn đến nguồn lực được đầu tư không tập trung, bộc lộ yếu kém trong công tác quản lý, cơ sở vật chất cho thể dục thể thao cần ưu tiên đầu tư.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài. Ảnh: TITC

Về lĩnh văn hóa, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài đề nghị Thành phố rà soát lại quy hoạch quảng cáo ngoài trời; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh biển quảng cáo ngoài trời, trên không gian mạng, quảng cáo rao vặt; quan tâm đời sống văn hóa của công nhân các khu công nghiệp; dành thêm không gian cho các sinh hoạt cộng đồng…

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa. Ảnh: TITC


 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Trần Thế Thuận phát biểu. Ảnh: TITC

Trong buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố và các Sở ngành cũng trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định Thành phố đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh tế và văn hóa, không đánh đổi văn hóa trong phát triển nóng kinh tế, là nơi khởi đầu sáng tạo các sự kiện văn hóa, có những cách làm rất mới, tiếp cận rất nhanh, phát triển dựa vào tài nguyên văn hóa và tài nguyên con người, đã ban hành đề án công nghiệp văn hóa với những bước đi cụ thể; đã kết hợp hài hòa phát triển du lịch và văn hóa, phát triển du lịch từ văn hóa; Thành phố là nơi đào luyện các vận động viên cho thể thao nước nhà, phát triển thể thao quần chúng…

Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn của Thành phố trong thể chế, chính sách, thiếu nhân lực, thiếu nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa tầm cỡ.

Bộ trưởng đề nghị Thành phố ban hành nghị quyết về phát triển con người văn hóa, xây dựng đề án thành phố sáng tạo như thành phố điện ảnh, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở phường xã. Bộ trưởng đề nghị Sở Du lịch Thành phố cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiến tạo, dẫn dắt; chuyển các hoạt động du lịch cho các doanh nghiệp; cần xác định đâu là sản phẩm đặc sắc độc đáo riêng có của du lịch Thành phố; phát triển du lịch đường sông, du lịch sinh thái Cần Giờ, Thủ Đức; mỗi tháng tổ chức một sự kiện du lịch văn hóa.

Bộ trưởng khẳng định sẽ đồng hành cùng Thành phố trong việc xây dựng hồ sơ Địa đạo Củ Chi trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa; ủng hộ, đồng hành cùng Thành phố trong tổ chức các sự kiện quy mô cấp quốc gia, quốc tế.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cảm ơn những tình cảm và sự ủng hộ của Bộ trưởng, của Đoàn đã dành cho Thành phố trong suốt thời gian qua. Tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thành phố sẽ triển khai toàn diện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sẽ rà soát, cập nhật những vấn đề được Đoàn nêu ra.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 06/4/2024

Cùng chuyên mục