Cà Mau: Du lịch sạch
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết, theo kế hoạch phát triển nông nghiệp sạch, chú trọng phát huy lợi thế 2 mặt hàng nông sản chủ lực là lúa và tôm, gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Theo đó, đến năm 2025, địa phương sẽ hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô, phát huy lợi thế các tuyến đường quốc lộ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 5.000 ha lúa hữu cơ, trên 5.000 ha diện tích nuôi tôm theo quy trình sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đến năm 2025 thu hút khoảng 50.000 lượt khách, trong đó có 10.000 lượt khách lưu trú tại địa phương; hình thành ít nhất 2 điểm du lịch và 5 tour du lịch, tổng thu từ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng.
Huyện Thới Bình đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có hơn 5.000 ha lúa hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, để đạt những con số này, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên phát triển các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp và chọn những giống lúa thích hợp tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, tận dụng tối đa lợi thế các tuyến đường quốc lộ đoạn đi qua địa phận huyện để phát triển hình thức này.
Ðối với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, tuyến Quốc lộ 63 sẽ tập trung phát triển du lịch lễ hội tâm linh, di tích lịch sử gắn với các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, với sự tương tác trải nghiệm giữa khách du lịch và người dân địa phương thông qua những hoạt động sản xuất và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ðến năm 2025, có ít nhất 1 điểm du lịch được hình thành và đi vào hoạt động trên tuyến.
Theo UBND huyện Thới Bình, trong chiến lược này, cùng với việc phát triển hạ tầng du lịch và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng các hình thức tổ chức liên kết sản xuất thì việc hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong những yêu cầu quan trọng. Theo đó, sắp tới huyện sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm, lúa của huyện. Cung cấp kịp thời thông tin về thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tham gia vào liên kết sản xuất. Ðẩy mạnh việc mời gọi, thu hút và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức thí điểm mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sản xuất lúa - tôm sạch, hữu cơ trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện đã được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên xây dựng thí điểm mô hình "Làng sản xuất nông nghiệp hữu cơ" tại các xã có thế mạnh và kinh nghiệm về sản xuất nhằm tạo điểm nhấn về sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt.
Ðẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh bằng những phần việc cụ thể gắn với phát triển du lịch sinh thái tại mọi ấp, khóm (như trồng hoa, sinh vật cảnh, trang trí hàng rào cây xanh, cổng nhà... tạo ấn tượng và điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan). Ðảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào chuỗi giá trị của chương trình. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và nâng cao tầm giá trị cho thương hiệu nông sản của huyện./.
Văn Ðum