Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Giải pháp phát triển du lịch bền vững trong tình hình mới

Cập nhật: 10/12/2021 04:28:19
Số lần đọc: 953
Dịch COVID-19 diễn ra trong năm 2020, 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, khiến doanh thu ngành du lịch giảm mạnh; nhưng lại đang mở nhiều cơ hội để ngành du lịch Đà Lạt phát triển theo xu hướng bình thường mới.    


Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù

Nhìn Từ Thực Tế Các Địa Phương  

Các địa phương được thí điểm đón khách du lịch như Phú Quốc hay Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, khách du lịch nội địa khá đông, nhưng số ca nhiễm virus Corona không nhiều. Tỉnh Kiên Giang trong tháng 11 đã đón hơn 300 ngàn lượt khách, gấp hơn 10 lần so với tháng 10 và gần 97% trong số này là khách đến Phú Quốc, với hơn 1.400 lượt khách quốc tế. Số lượng du khách đang tăng là nhờ Phú Quốc áp dụng chính sách “hộ chiếu vắc xin” đối với khách quốc tế và quy định thích ứng an toàn trong tình hình mới; công tác kiểm soát dịch được đảm bảo tối đa, với các trạm y tế di động và y tế phường, xã có mặt ngay khi cơ sở lưu trú thông báo du khách có vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, Phú Quốc không đón khách lẻ. Mỗi đoàn khách du lịch đến Phú Quốc đều theo mô hình bong bóng, đảm bảo không tiếp xúc với cộng đồng và không ảnh hưởng đến hoạt động của đoàn du khách khác... Phú Quốc hiện đang có thời tiết rất đẹp, rất ấm và biển lặng, chứ không gió lạnh như các vùng biển khác; hơn nữa, Phú Quốc có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, hệ sinh thái du lịch đang rộng mở và hệ thống y tế hỗ trợ tốt trong phòng, chống dịch... nên đang là điểm đến thu hút khách.

Trong tháng 11, Sân bay Đà Nẵng đón rất nhiều lượt du khách, nhưng chỉ có khách du lịch nội địa thực sự du lịch Đà Nẵng. Cũng trong tháng 11, Vietravel khởi động tour du lịch khép kín ở Đà Nẵng. Tham gia chào đón khách, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Vietravel chi nhánh Đà Lạt, nhận thấy: Chính quyền và ngành Y tế Đà Nẵng đã có sự linh hoạt rất rõ. Đó là, ngay khi khách chờ lấy hành lý ở Sân bay Đà Nẵng thì có sẵn một ứng dụng để du khách quét và khai báo thời gian, địa điểm lưu trú; những thông tin này được liên kết đến chính quyền cấp xã, phường và hệ thống y tế có mặt ngay tại nơi lưu trú của khách để hỗ trợ các thủ tục kiểm soát phòng, chống dịch. Công việc này của chính quyền Đà Nẵng khiến du khách rất hài lòng vì thủ tục rất đơn giản, rõ ràng, không phiền phức, nhanh chóng, trật tự... mà chính quyền lại quản lý được thông tin của du khách cũng rất nhanh chóng và đầy đủ.  

Bình Thường Mới Trong Hoạt Động Du Lịch

Trong thời gian tới, thành phố Đà Lạt định hướng tạo môi trường đầu tư ổn định, hiệu quả... để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư các dự án du lịch cao cấp, có quy mô lớn vào các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch của thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch; tăng cường đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến. Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh hợp pháp và hưởng lợi từ du lịch. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch... góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong giai đoạn bình thường mới.

Bình thường mới là cụm từ được sử dụng khắp nơi, ở mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Bình thường mới trong lĩnh vực du lịch là mọi du khách nên có smartphone để mọi thông tin chỉ cần chạm trượt rất nhanh, chứ không cần chờ văn bản, hay khai báo trên giấy; tức là, phải ứng dụng được công nghệ số ở mọi nơi, mọi lúc. Theo ông Nguyễn Nhật Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt: Chúng ta nên học hỏi cách làm du lịch trong tình hình mới ở các địa phương như Đà Nẵng hay Phú Quốc. Ngoài các quy định y tế, để bảo đảm tính an toàn cho du khách và cộng đồng - là yếu tố quan trọng nhất trong tình hình mới, thì việc áp dụng các tour khép kín, chất lượng cao nên được khuyến khích mở rộng.  

Với lịch trình tour khép kín, quản lý chặt chẽ và đã được chuẩn bị trước, du khách được kiểm tra an toàn COVID trước, trong và ngay khi kết thúc tour. Nếu có ca mắc phát sinh thì sẽ được khoanh vùng ngay trong đoàn khách đó, các điểm đến trong lịch trình đó... nên dễ dàng truy vết, hạn chế được việc lây lan trong cộng đồng hay lây lan sang các tour du lịch khác... Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour và chịu trách nhiệm, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần quan tâm tìm kiếm giải pháp hạn chế khai thác khách lẻ, khách tự túc, vì đây là đối tượng khách sử dụng dịch vụ ít, hoạt động nhiều, phạm vi khó kiểm soát... nếu có sự cố thì truy vết rất khó khăn và đã làm dịch bệnh lây lan rộng.

Phát Triển Du Lịch Theo Hướng Du Lịch Thông Minh

Thành phố Đà Lạt đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực, hướng đến phát triển du lịch thông minh; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 07/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng nhanh và bền vững, gắn với khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù của thành phố, hình thành các khu du lịch mang tầm quốc tế (Khu Du lịch chuyên đề hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch tổng hợp Đankia - Suối Vàng)... tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hiện đại, hấp dẫn, đưa du lịch phục hồi và phát triển bền vững trong tình hình mới.

Lê Hoa

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục