Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch văn hóa bản địa và cộng đồng cư dân địa phương

Cập nhật: 07/12/2021 11:00:23
Số lần đọc: 872
Từ thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, việc hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch từ văn hóa bản địa và cộng đồng cư dân địa phương chính là “chìa khóa” của vấn đề phát triển du lịch bền vững.


Di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển du lịch

 Trước thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, chúng tôi có dịp đưa một nhóm du khách Hà Nội đi tham quan Khu Du lịch thác Đam B’ri (xã Đam B’ri, thành phố Bảo Lộc), sau khi hỏi mua rượu cần đặc sản đang được bày bán tại đây, chị Nguyễn Trần Thái Hà bày tỏ: “Trong trường hợp này, tốt nhất nên sử dụng lao động người dân tộc thiểu số địa phương, đặc biệt là những nghệ nhân chế tác rượu cần. Bởi họ vừa am hiểu về rượu cần, vừa tăng thêm độ tin cậy cho du khách vì sự hiện diện của mình”. Chị Hà cho rằng, chia sẻ lợi ích với người bản địa chính là triết lý kinh doanh hiện đại mà các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ khai thác yếu tố văn hóa bản địa nên hướng tới và theo đuổi. “Nguyên tắc phát triển du lịch bền vững là không thể bỏ qua sự tôn trọng các giá trị văn hóa, không làm phương hại tới các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng bản địa, bên cạnh việc mang lại lợi ích tương hỗ cho người làm du lịch, cũng như địa phương”, chị Hà nói rõ.

 Thực tế, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận ra tiềm năng từ những di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân bản địa, đồng thời xác định chiến lược phát triển du lịch dựa trên việc xây dựng các chuỗi giá trị từ văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đến tri thức địa phương... Một số doanh nghiệp còn chủ động mời các chuyên gia tư vấn phục dựng các lễ hội, trò chơi dân gian, nghề truyền thống, nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng. Trong quá trình xây dựng, các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng do địa phương sản xuất, công xây dựng cũng ưu tiên cho người địa phương và sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác du lịch thì người lao động tại đây cũng ưu tiên sử dụng con em địa phương. Qua những cách làm này, các doanh nghiệp đã tạo dựng được hình ảnh thương hiệu riêng, cảnh quan khu du lịch hài hòa với quang cảnh bản địa, thân thiện với du khách. Quan trọng hơn, từ việc khai thác các giá trị văn hóa bản địa, các doanh nghiệp đã có được những thành công nhất định trong việc thu hút du khách, đẩy nhanh quá trình thu hồi vốn, tăng suất đầu tư và tăng lợi nhuận, cũng như làm giàu cho chính cộng đồng cư dân địa phương. “Để theo đuổi triết lý kinh doanh du lịch lấy văn hóa bản địa làm nền tảng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn, tầm nhìn phải xa, triết lý kinh doanh rõ ràng, cần đầu tư nhiều hơn, đào tạo kỹ hơn, hạ giá dịch vụ xuống thấp hơn, thậm chí phải thỏa mãn lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương trước, sau đó mới tính đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, ở lĩnh vực này, có những mục tiêu rất khó đạt được như kỳ vọng, vì chính cư dân bản địa cũng không muốn”, chị Vũ Thị Ánh, chủ một doanh nghiệp dịch vụ du lịch ở Bảo Lộc, chia sẻ.

Theo lý giải của chị Ánh, xưa nay, tâm lý của người dân tộc thiểu số chỉ muốn làm ăn nhỏ lẻ, chắc ăn, chứ không muốn tạo ra các sản phẩm chuỗi, có giá trị lớn. Thêm nữa, khi sử dụng người dân tộc thiểu số làm nhân viên trong các khu du lịch thỉnh thoảng họ lại chểnh mảng trong chăm sóc khách hàng, hành xử tùy hứng, thiếu kiến thức cơ bản về ngành dịch vụ du lịch. “Đơn giản là vì họ chưa được đào tạo bài bản, thiếu va chạm và trải nghiệm thực tế bên ngoài, không lấy khách hàng làm trung tâm mà lấy mình làm trung tâm”, chị Ánh nói thêm.

Triết lý kinh doanh du lịch tôn trọng cộng đồng bản địa là hướng đi đúng đắn của du lịch bền vững, vì ngoài việc loại trừ sự chụp giật, ăn xổi ở thì, nó còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu vừa làm giàu cho người bản địa, vừa đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, vấn đề là phải đào tạo con người chất lượng cao cho ngành du lịch.

 Trịnh Chu

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục