Cà Mau: Phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hòn Ðá Bạc
Khu Di tích lịch sử Quốc gia Hòn Ðá Bạc được đầu tư xây dựng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Lê Văn Hiền
Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ, hữu tình như: sân tiên, giếng tiên, khối đá bàn tay tiên, khối đá bàn chân tiên... Ngoài ra, còn có các điểm thờ tự tâm linh gắn liền với nét văn hoá đặc trưng của ngư dân miền biển như: Ðiện Phật Tổ, Ðiện Phật Bà Nam Hải, Ðiện Phật Di Lặc, Lăng Ông Nam Hải, Chùa Ông Cọp, Chùa Hang...
Hòn Ðá Bạc không chỉ có vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân vùng biển, mà còn viết nên trang sử hào hùng của Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Ðó là sự kiện ngày 7/12/1971, quân và dân xã Khánh Bình Tây đã bức rút một trung đội pháo binh với cụm pháo 105 ly đặt trên Hòn Ðá Bạc, góp phần đánh bại âm mưu bình định của địch và giải phóng hoàn toàn Hòn Ðá Bạc.
Ðặc biệt hơn, từ ngày 9/9/1981-9/9/1984, Hòn Ðá Bạc là nơi diễn ra Kế hoạch Phản gián CM12, đã đánh bại âm mưu nguy hiểm và thâm độc của tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Qua 3 năm tổ chức đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, linh hoạt, hiệu quả, lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam đã câu nhử thành công toàn bộ 18 chuyến xâm nhập, bắt và tiêu diệt 189 tên gián điệp, biệt kích; thu giữ hơn 300 tấn vũ khí đặc biệt nguy hiểm với hơn 1.500 súng các loại, 2 triệu viên đạn, hàng trăm tấn thuốc nổ, hơn 14 tấn tiền Việt Nam giả (tương đương gần 300 triệu đồng)... Ðồng thời bóc gỡ hơn 10 tổ chức phản động trong nước do Mỹ cài lại câu kết, móc nối với Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh thực hiện các kế hoạch hậu chiến và âm mưu, ảo vọng lật đổ chính quyền cách mạng của ta.
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (thứ ba từ trái sang) và Ðại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau (thứ hai từ trái sang) tham quan Nhà trưng bày tư liệu Kế hoạch CM12 tại Hòn Ðá Bạc. (Ảnh chụp tháng 9/2018). Ảnh: Huỳnh Lâm
Thắng lợi to lớn của Kế hoạch Phản gián CM12 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử truyền thống lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, là đòn quyết định làm thất bại âm mưu câu kết, móc nối trong - ngoài nhằm thực hiện tấn công vũ trang trong chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch và bọn phản động đối với Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ XX. Ðây là chiến thắng của “nghệ thuật lãnh đạo”, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo và khả năng dự báo chính xác tình hình, nắm bắt thời cơ, tuyệt đối bí mật. Thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, sự mưu trí, khôn khéo, sáng tạo, dũng cảm, tài tình của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này có ý nghĩa quyết chiến, quyết thắng, vượt mọi khó khăn, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khẳng định sức mạnh tổng hợp, sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, hiệu quả của công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan, ban, ngành và sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của quần chúng Nhân dân tại địa bàn diễn ra Kế hoạch Phản gián CM12; góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước.
Thời gian qua, Bản Quản lý Khu Di tích Hòn Ðá Bạc tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục... tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Khu di tích, như: về nguồn, viếng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội trại, hội nghị, hội thảo, tham quan, học tập, tìm hiểu truyền thống; thực hiện lễ kết nạp đảng viên; sinh hoạt thực tế... nhằm thu hút du khách đến tham quan, đồng thời tuyên truyền, phát huy giá trị lịch sử của di tích Hòn Ðá Bạc. Trung bình mỗi năm có trên 200 đoàn tham quan; 15 cuộc lễ dâng hương, dâng hoa, báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc, với trên 1.300 đại biểu tham gia; trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan tự do. Riêng 5 tháng đầu năm nay, có 13 đoàn tham quan với 426 lượt khách, trong đó có 7 đoàn tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; có trên 102.947 lượt khách đến tham quan tự do tại Khu di tích.
Thông qua các hoạt động quản lý, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, hỗ trợ tham quan, bảo vệ, bảo tồn..., Khu di tích đã phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu, vui chơi, giải trí của đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống và phát huy ý nghĩa giáo dục cách mạng, tạo thiện cảm, ấn tượng tốt đẹp đối với khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ. Hiện tại, Khu di tích là một trong những điểm tham quan của tỉnh thu hút đông đảo du khách trong những dịp lễ, Tết...
Chỉ tính riêng dịp lễ Quốc Khánh 2/9, Khu Di tích Hòn Ðá Bạc đón hơn 4.700 lượt khách. Ảnh: Lê Tuấn
Kỷ niệm 39 năm thắng lợi Kế hoạch Phản gián CM12, Ban Quản lý Khu di tích không ngừng quan tâm, tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hòn Ðá Bạc đã trở thành “địa chỉ đỏ”, là nhân chứng lịch sử sinh động, thuyết phục về những năm tháng hoạt động đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh của người chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam.
Khu Di tích Hòn Ðá Bạc gắn liền với Kế hoạch Phản gián CM12 là minh chứng cho tinh thần chiến đấu, cống hiến của thế hệ cha ông đi trước, là niềm tự hào của lực lượng Công an Nhân dân. Ngày nay, du khách tham quan Hòn Ðá Bạc, đặc biệt là thế hệ trẻ, vừa được vui chơi, thưởng ngoạn nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo vừa được tăng thêm kiến thức về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước. Từ đó, nhân lên niềm tự hào và ý thức trách nhiệm, noi gương những người đi trước, hăng hái lao động, học tập và cống hiến, góp phần dựng xây Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phát triển./.
Lê Văn Hiền