Non nước Việt Nam

Lạc lối cùng Dray Sap

Cập nhật: 14/09/2023 16:26:47
Số lần đọc: 450
Chưa muốn rời đi, nhưng vẫn phải tiếp tục lên đường. Bỏ lại sau lưng tiếng ì ầm của ngọn thác Dray Sap để đi ra cửa khu du lịch, tôi nghe như dòng Serepok thở dài. Đến đã vội, mà đi càng vội, đã gọi gì là biết đủ về nhau?


Thác Dray Sap là một điểm đến mà bạn không nên bỏ lỡ khi có dịp đến với Tây Nguyên.

Là vì, chỉ đủ thời gian để đi một vòng, chụp vài tấm ảnh, dù không cố tình chỉ tạo nên những nỗ lực check-in hời hợt, thì cũng cứ như mới chạm được vào lớp vỏ hữu hình của một thực thể sâu thẳm. Một linh hồn.

Tin hay không quan tâm lắm truyền thuyết về sự ra đời của ngọn thác này (Dray Sap/Thác Chồng) cũng như Dray Nur/Thác Vợ bên kia, gắn sự phân chia của Serepok thành hai nhánh Krông Knô - Krông Ana vào một tình yêu bị chia cắt, thì đến đây, du khách cũng không thể không thấy trong mình dấy lên một ham muốn vô tận, là được bước chân trên chiếc cầu treo nối liền hai ngọn thác, phóng tầm mắt qua ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông.

Đấy là còn chưa nói, theo lời kể của những người bạn quen vượt núi băng đèo trên từng ngóc ngách đại ngàn này, hình như trước khi sầm sập đổ xuống các vách đá dựng, có những đoạn, Dray Sap còn tự biến mình thành một con sông ngầm, quanh co tìm hướng chảy ngược mặt trời.

Nếu không quá eo hẹp về thời gian, nhất định, gã thị dân cả đời chỉ quẩn quanh phố thị ắt sẽ phải cố đi thêm một đoạn đường, cho bõ lần hiếm hoi được rời bỏ những đường phố chật hẹp, mà bước về phía tiếng gọi từ hoang sơ, thâm u mà day dứt.

Hay ít nhất, khi đã tiến hẳn xuống lòng suối, đến sát với dòng thác, ngồi trên một mỏm đá nghìn năm, y sẽ muốn cứ được ở lại đó thêm nữa, thêm nữa, nhìn chăm chú vào những tia nước bắn lên bất tận, để cho âm thanh thuần khiết và vang vọng của nó gột đi toàn bộ những trăn trở bon chen, những u uất muộn phiền. Trên cao nữa là trời Tây Nguyên xanh ngắt không một gợn mây. Còn sau lưng là gió cuộn xuống ngàn tán lá xạc xào. Nơi y ngồi, bỗng nhiên trở thành một vũ trụ riêng cho bản ngã ngập chìm, không còn liên quan gì đến những rộn rã nói cười, những trầm trồ chỉ trỏ chung quanh, chỉ còn sự thanh thản ngỡ như bất tận, thứ ước vọng âm ỉ từ sâu thẳm.

Đường vòng lại cửa thác, có một nhánh cây cong oằn từ triền dốc xuống sát mặt đất. Đúng khi y bước qua, một vạt nắng chiếu xuống nhánh cây ấy, làm sáng rực cả khuôn mặt của một em bé. Em bé, cũng chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì, lùi lại sau lưng đám đông, treo mình trên chiếc võng dây leo ấy, mắt vẫn không rời ngọn thác. Ánh mắt neo vào vùng nước bạc loa lóa, kéo người khác phải nhìn theo, và làm dấy lên một nỗi ghen tị với thần thái vô ưu đã từng có nhưng cũng đã ra đi không bao giờ trở lại ấy.

Có ba lối rời Dray Sap. Một lối, cứ đi tiếp theo đường vào, để đi xa khỏi thác một chút, vòng qua triền núi như một đường tròn tuần hoàn, có thể thu thêm chút cảnh sắc lâm tuyền vào ký ức. Một lối là trở lại theo đúng đường vào.

Và lối thứ ba, dành cho những kẻ muốn nấn ná trong tiếc nuối cái hơi mát phả lên từ lòng thác, cho dù đã bước lên một cầu thang gỗ cao hơn, để nhìn thấy Dray Sap ngang tầm mắt, với tất cả những gọi mời từ cây cỏ sơn nguyên phía tít tắp… cũng chính là nơi khiến cả nỗi cô đơn lẫn sự lưu luyến như lồng lộng hơn, trong nắng gió Tây Nguyên…

Thiên Thư

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 08/9/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT