Cà Mau: Về làng chiếu Tân Thành
Tuy địa bàn giáp ranh với phường Tân Thành, Phường 6, nhưng nhịp sống ở xã Tân Thành rất nhẹ nhàng, bình yên. Diện mạo nông thôn mới mang đến sự tiện nghi, thuận lợi cho bà con trên địa bàn về mọi mặt, song song đó vẫn giữ được “nét quê” đặc trưng, trong đó phải kể đến sự góp mặt của nghề truyền thống nơi làng chiếu Tân Thành.
Hiện nay, tại phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau còn khoảng hơn 100 hộ duy trì nghề dệt chiếu, riêng tại xã Tân Thành có 52 hộ. Ngoài ưu thế làm từ nguyên liệu thiên nhiên, điểm đặc biệt ở chiếu Tân Thành còn ở sự kỳ công, tỉ mỉ từ hoa tay và cả cái tâm của người dệt chiếu, nhất là các sản phẩm chiếu cưới, chiếu hoa, lẫy chữ… đòi hỏi người dệt phải tính toán vị trí và màu sắc từng cọng lác, sợi trân để tạo nên hoa văn, chữ nổi trên bề mặt đôi chiếu.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân xã Tân Thành sáng tạo máy chắp trân đạp bằng chân, tiện lợi, giúp se trân nhanh và đều tay.
Hiện tại xã Tân Thành có trên 50 hộ còn duy trì nghề dệt chiếu, riêng tại Ấp 5 có tổ hợp tác dệt chiếu với 10 thành viên chính thức.
Cô Trần Thị Ướt, 70 tuổi, Ấp 5, xã Tân Thành, bộc bạch: “Nối tiếp nghề dệt chiếu truyền thống gia đình trước đây, thế hệ chúng tôi tiếp tục duy trì nghề đến nay trên 40 năm. Nghề đã ăn sâu vào máu thịt nên còn sức là còn dệt. Mặt khác, chiếu Tân Thành vốn nổi tiếng nhiều đời, rất hãnh diện, nên chúng tôi quyết tâm truyền nghề và khuyến khích con cháu nối tiếp nghề truyền thống này”.
Theo chị Trần Như Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, sản phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên lác và đay (bố), kết hợp hoa tay khéo léo của chị em nên chiếu Tân Thành vẫn chiếm được sự ưu ái từ người tiêu dùng. Ðể góp phần duy trì và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống, thời gian qua, Hội LHPN xã phối hợp với các ngành chức năng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để tạo năng suất cao hơn.
Nghề dệt chiếu ở Tân Thành hiện nay tiếp tục được duy trì, truyền lại cho thế hệ sau.
Dù đã được đầu tư máy dệt chiếu hiện đại, chẻ lác… nhưng phụ nữ Tân Thành vẫn chuộng dệt chiếu thủ công.
“Tuy nhiên, với nhu cầu thực tế, người tiêu dùng vẫn chuộng chiếu được dệt theo phương pháp thủ công, bởi chất lượng đi đôi với tính thẩm mỹ của sản phẩm. Do đó hướng tới, Hội tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích, động viên các cô, các chị tiếp tục duy trì, truyền nghề truyền thống. Một mặt giúp chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình; mặt khác, giúp địa phương giữ được danh tiếng chiếu Tân Thành, đưa nơi đây trở thành một trong những điểm đến để du khách tham quan, trải nghiệm cùng những người thợ thủ công dệt nên những đường chiếu đầy màu sắc, mang đậm giá trị văn hoá”, chị Trần Như Thảo thông tin./.