Lào Cai: Người Giáy Hợp Thành lưu giữ nghề làm hương
Nguyên liệu làm hương truyền thống của người Giáy được lấy từ tự nhiên.
Cả thôn làm hương nên nhà nào cũng giống nhau, khoảng sân nhỏ trước nhà như một tấm lụa lớn được bài trí họa tiết, hoa văn với màu sắc khá bắt mắt. Đó là màu của những que hương đang được đem phơi nắng, là màu hồng của những cán hương, màu vàng đất, vàng mơ của thân hương rồi màu nâu của những vỏ cây đang được phơi khô chờ cán nhỏ làm bột hương... Ông Vàng Văn Siềng được coi như “nghệ nhân” của thôn bởi đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm hương. Tay thoăn thoắt rắc bột lên những chiếc cán nhỏ xinh để tạo khuôn cho hương, ông chia sẻ: “Làm hương không quá khó, kỹ thuật không quá phức tạp, cầu kỳ, nhưng để làm ra những que hương đúng kiểu của đồng bào Giáy thì người làm cần phải có sự tỉ mỉ trong từng công đoạn”.
Nói rồi ông Siềng chia sẻ cho tôi cách làm hương của người Giáy. Từ cách đây nửa năm, những người làm hương như ông Siềng đã lên rừng tìm cây tre mai để làm cán, tìm vỏ cây quế, cây kháo, cây de, cây mỡ, cây nan làm bột hương. Trong khoảng 6 tháng chờ tạo hình, cây tre mai được ngâm dưới ao rồi đem phơi cho kiệt nước, khi đó cán hương sẽ dễ cháy và đượm nhang; các loại vỏ cây được phơi khô qua nhiều nắng rồi đem cán thành bột. Qua nhiều khâu nhào nặn, que hương được hoàn thành có mùi hương ngạt ngào của cây lá...
Ông Vàng Văn Siềng, thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) có kinh nghiệm hơn 30 năm là hương truyền thống.
Về làm dâu Hợp Thành 30 năm nay, bà Nguyễn Thị Nguyệt, quê ở xã Gia Phú (Bảo Thắng) đã thành thục cách làm hương của quê chồng. Vừa phơi hương, bà Nguyệt vừa tâm sự: Làm hương cứ như con mọn ấy cô ạ, phải cẩn thận “nâng như nâng trứng”, chỉ cần một sơ suất nhỏ, hương sẽ không đạt yêu cầu về màu sắc, hương vị và cả hình dáng nữa.
Trước kia, cả bản nhà nào cũng làm hương nhưng chỉ với số lượng nhỏ, vừa đủ dùng. Nhưng giờ đây, hương của thôn người Giáy đã trở thành sản phẩm được nhiều người tìm mua, sử dụng bởi mùi hương đặc biệt từ các nguyên liệu thảo dược. Nhiều gia đình sản xuất được số lượng lớn để bán tại các phiên chợ. Ngoài ý nghĩa là nén hương đậm lòng thơm thảo của con cháu dâng kính tổ tiên, với người Giáy, đây còn như bài thuốc có ích cho sức khỏe của con người mỗi khi mỏi mệt và còn là mẹo hay để xua đuổi ruồi muỗi. Vì thế, gắn bó với nghề làm hương truyền thống, đồng bào Giáy Kíp Tước 1 còn thể hiện tâm thế chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tết Nguyên đán tới gần, nhu cầu sử dụng loại hương truyền thống của thị trường càng tăng, do vậy, những người làm hương ở thôn Kíp Tước 1 đang vào mùa bận rộn. Với họ, làm hương không chỉ tạo ra sản phẩm bán ra thị trường, nâng cao thu nhập mà còn là sự bảo tồn, lưu giữ nét đẹp truyền thống.
Tô Dung