Non nước Việt Nam

“Vũ điệu” làng gốm - Quảng Nam

Cập nhật: 14/02/2022 10:52:44
Số lần đọc: 1112
Cách phố cổ Hội An chừng 3 km, làng gốm Thanh Hà là một điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hành trình di sản dọc miền trung. Tại ngôi làng có tuổi đời hơn 500 năm, những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã hòa quyện đất, nước, lửa tạo ra “vũ điệu” đặc biệt làm nên tinh hoa nghề gốm đặc trưng của xứ Quảng.


Nằm bên sông Thu Bồn, dấu xưa làng cổ còn lưu lại trên mảnh đất Thanh Hà là không gian ngập tràn sắc mầu nâu đỏ đặc trưng, những lò úp và lò ngửa để nung theo cách truyền thống và cả tiếng tu huýt (còn gọi là con tò he), thứ đồ chơi với thanh âm lảnh lót được trẻ con chơi đùa, thổi rộn rã trên đường. Vào dịp đầu năm, người làng còn tổ chức lễ tế Xuân tại miếu Nam Diêu vào ngày mồng 10 tháng Giêng để tưởng nhớ tổ nghề và các bậc tiền nhân, cầu cho năm mới bình an với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

Điểm dừng chân đầu tiên khi tới làng là Công viên Đất nung, một bảo tàng gốm thu nhỏ đặt ở ngay đầu làng. Khuôn viên rộng gần 6.000 m2 được đầu tư bài bản, kỳ công trong thiết kế và kiến trúc được phân chia theo 9 khu riêng biệt. Không chỉ lưu giữ những hiện vật và tư liệu di sản văn hóa, tại đây còn có không gian dành cho du khách trải nghiệm thử một ngày làm nghệ nhân. Một khu vực thú vị và độc đáo không kém là nơi trưng bày những công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được tạo tác bằng đất nung khẳng định sức sống của gốm Thanh Hà nói riêng và tinh hoa nghề gốm Việt Nam nói chung trong đời sống đương đại.

Bước ra khỏi bảo tàng gốm là cuộc sống thường nhật, với con đường vào làng bốn mùa đều “trang hoàng” bằng những sản phẩm từ các loại gạch ngói, nồi, bình, hũ tới những đồ lưu niệm nhỏ xinh như tò he, các loại động vật, đèn… nguyên mầu gốm thô được xếp ngay ngắn hai bên đường để hong khô. Với những gia đình làm gốm, người dân vẫn duy trì xưởng của gia đình, nơi sự vất vả chẳng khiến họ mai một đi lửa nghề. Đó là một quy trình từ đánh đất, lọc đất, nhồi chuốt, vuốt nặn tạo hình trên bàn xoay, phơi gốm, chất củi để nung tới vẽ thành phẩm đều làm thủ công. Chính ở đó mà đôi tay tài hoa của người thợ được phát huy, để thổi hồn vào đất, làm ra những sản phẩm mang thương hiệu riêng của làng gốm Thanh Hà.

Bài & ảnh: Nguyễn Lê

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT