Lào Cai: Độc đáo kỹ thuật đan lát của người Tày Nghĩa Đô
Kỹ thuật đan lát của người Tày thể hiện sự công phu, khéo léo của đôi tay.
Bà Ma Thị Sơ ở thôn Bản Làng, xã Nghĩa Đô là thợ đan lâu năm cho biết: Để đan được một sản phẩm đẹp, cần có kỹ thuật vót nan đều tay. Kỹ thuật chẻ nan quyết định đến thành công của sản phẩm đan lát. Đối với mỗi sản phẩm khác nhau, họ có cách vót nan phù hợp để khi đan được đúng như ý, kỹ thuật tạo hoa. Phụ nữ Tày có cách vót nan độc đáo: Ở giữa nan thì rộng, hai đầu của nan chuốt hơi hẹp, nhọn lại.
Thời điểm chọn chặt cây cũng quan trọng, họ kiêng không chọn ngày rằm để tránh bị mối mọt, bí quyết của thợ đan lát là chọn được cây đúng độ tuổi. Đan sọt để đựng đồ lễ gánh sang nhà gái họ thường chọn cây hơn 1 năm tuổi, cây già quá, non quá đều không sử dụng được. Thợ đan sọt đựng đồ lễ được gia đình nhờ đan phải là vợ chồng hòa thuận, có con trai và con gái, gia đình hạnh phúc. Nôi tặng trẻ vào lễ đầy tháng được đan ở không gian thiêng, đó là giữa dòng suối với quan niệm khi trẻ nằm ngủ sẽ ngủ say giấc, chóng lớn.
Sự sáng tạo của thợ đan lát trên vùng nguyên liệu truyền thống, gần gũi của Nghĩa Đô là dùng nan cật của cành cọ để đan thành chiếc mẹt đẹp mắt, rất ấn tượng. Những đồ đan của họ thể hiện sự sáng tạo: Trước đây họ đan đồ đựng trầu cau hoặc “lip” đựng quần áo của cô dâu khi về nhà chồng thì ngày nay cải tiến về kiểu dáng, kích cỡ, trở thành vật dụng cắm hoa, đựng mỹ phẩm và nhiều tiện ích khác.
Sản phẩm của nghề đan rất phong phú, đa dạng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Người Tày đan lát từ những nguyên liệu tự nhiên như giang, nứa, cọ, mây, vầu...
Ấn tượng từ sản phẩm đan lát của phụ nữ Tày là các hoa văn, họa tiết đẹp mắt, đa dạng. Từ chiếc mẹt, chiếc “đeng hoa”, “lip”... đều có kỹ thuật đan rất độc đáo. Kỹ thuật đan lóng mốt, lóng đôi, có khi lóng ba là do kỹ thuật của từng người nhặt nan, nếu đã lên lóng 1 thì chú ý cách phối nan để tạo thành hoa, sự phối hợp giữa nan màu đen và màu trắng ở những vị trí tạo hoa phải rất tinh mắt, cẩn thận. Các loại hoa văn chủ đạo trang trí trên đồ đan có hoa “béo phay”, một loại hoa trên rừng, có nhụy màu trắng, cuống màu xanh; hạt quả trám và hoa “mác cườm” thường thể hiện ở phần gần đế…
Kỹ thuật đan thường thể hiện sự khác biệt ở phần đế, phần thân và cạp. Phần thân tạo tác nhiều hoa văn có quy luật tạo sự cân xứng, đối xứng các hoa văn, có chia ô để thể hiện rõ từng hoa văn ở mỗi góc độ; chia ô tạo hoa văn ở mỗi vuông, mang tính chất đối xứng ở thân của sản phẩm. Kỹ thuật đan cạp dùng dây thít vòng miệng của đồ đan, điểm đầu ở một chỗ đến cuối buộc giữ ở bên trong, dấu mối ở bên trong đan ở bên ngoài, không phát hiện. Kỹ thuật gập nan cũng phải tính toán lượt ở trên, lượt ở dưới sao cho đều và giấu được mối dây thít vào bên trong, tạo cho vành cạp của sản phẩm tròn đều. Miệng cạp của một số sản phẩm tạo tác sao cho tròn, cạp làm to quá sẽ bị thô…
Kỹ thuật đan “líp” đồ đựng quần áo từ phần đế đan trước với kỹ thuật đan lóng đôi, lóng ba, đan lên thân bằng lóng đôi, lóng bốn, lên đến trên đan thành đôi mới thành hoa. Khạp cóng đựng xôi, đan lóng 3, phần đế, lên 3 xuống 3 nhưng có thể đan lóng đôi cũng được, lạt bé thì nhiều hàng sẽ đẹp hơn, lạt to thì đan nhanh hơn. Đan đáy riêng phần thân riêng, với chiếc khạp đựng xôi thì họ lại đan bằng cật, đan hai lớp với kỹ thuật gập miệng khéo léo không bị lộ. Các đường hoa văn ở mẹt thẳng nhau, làm sao để đường gân hoa văn nổi bật thẳng hàng, hoa màu đen và hoa màu trắng xen kẽ nhau theo bố cục đối xứng. Tùy theo sự sáng tạo của mỗi người, nhặt hoa theo khả năng, hoa trám, hoa hình ngôi sao... hoa ở chính giữa trung tâm sẽ to hơn các hoa bé ở viền.
Kỹ thuật nhuộm nan màu đen lấy củ nâu bào nhỏ, ống giang cạo bỏ vỏ bên ngoài, sau đó dùng củ nâu sát vào nửa ống giang, rồi dùng tay quệt nhọ nồi phủ bên ngoài thì sẽ được màu đen bóng, bền, rất đẹp. Sản phẩm đan xong thì hơ qua trên lửa cho bóng đẹp, tránh bị mối mọt…
Nghề đan lát truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm cách điệu từ vật dụng hằng ngày nhưng rất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay. Hướng tới những sản phẩm thủ công truyền thống, thân thiện với môi trường là cách làm sáng tạo và đầy tâm huyết của phụ nữ Tày Nghĩa Đô. Bảo tồn và phát huy giá trị của nghề đan lát thủ công truyền thống là hoạt động rất cần thiết trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Minh Tú