Non nước Việt Nam

Hà Nội: Làng nghề ở Thường Tín nhộn nhịp sản xuất đầu năm

Cập nhật: 18/02/2022 09:12:38
Số lần đọc: 1402
Đến huyện Thường Tín những ngày này, làng trên, xóm dưới, tiếng máy đục gỗ, tiếng máy khoan cùng sự tất bật ở những xưởng thêu, may đang tạo nên không khí sôi động trong lao động sản xuất. Hầu hết các làng nghề đều hoạt động trở lại. Tín hiệu vui là những đơn hàng đầu năm nhiều hơn trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần bởi hoạt động kinh doanh, giao thương trên cả nước đang nhộn nhịp trở lại...


Điêu khắc tượng tại làng nghề Nhân Hiền, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín).

Ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở thêu tay Xuân Nguyên (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) cho biết, nếu như đầu năm trước, cơ sở thêu chưa nhận được đơn hàng nào thì năm nay số đơn hàng đã tính đến vài chục, hầu hết là ở các tỉnh và một số xuất bán ra nước ngoài.

Tương tự, tại làng nghề chuyên đục đá thôn Nhân Hiền (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) cũng khá nhộn nhịp. Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú, xã Nhân Hiền cho biết, dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước cơ bản được kiểm soát, các làng nghề cũng bắt tay vào sản xuất và thích ứng trong điều kiện mới. Đầu năm nay, công ty đã nhận được những đơn hàng xuất đi Nhật Bản, Thụy Điển, đều là những tác phẩm đục đá theo yêu cầu phía đối tác.

Nói về hoạt động của các làng nghề đầu năm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp thành phố là sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) và 48 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: Mây tre đan Ninh Sở, điêu khắc Hiền Giang, tiện gỗ Nhị Khê... Thường Tín hiện có 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân với khoảng 40.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực nghề truyền thống. Các hoạt động làng nghề mang lại thu nhập 4-10 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm an sinh xã hội...

“Sau gần 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, các làng nghề của Thường Tín đã bắt đầu khôi phục sản xuất. Hầu hết, các làng nghề, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều có những đơn hàng từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài”, ông Từ Đức Mạnh chia sẻ.

Nhằm thúc đẩy kinh tế làng nghề, tạo đòn bẩy để Thường Tín xây dựng huyện nông thôn mới, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy khẳng định, Thường Tín đặt mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề theo hướng thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với truyền thống văn hóa, khoa bảng của địa phương. Theo đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người dân; tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát huy thương hiệu sản phẩm đã có; ưu tiên xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề; gắn phát triển kinh tế làng nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP của huyện.

Mới đây, trong buổi chúc Tết đầu năm tại các làng nghề, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chỉ đạo huyện Thường Tín cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế địa phương và Thủ đô nói chung. Đặc biệt, sản xuất làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường, đào tạo nghề... để không những bảo tồn nghề truyền thống mà còn phát triển, xuất khẩu sản phẩm tới các thị trường lớn trên thế giới.

Đỗ Minh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT