Hoạt động của ngành

Cần nâng cao chất lượng nghề du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong bối cảnh mới

Cập nhật: 07/10/2020 07:55:33
Số lần đọc: 829
(TITC) – Ngày 6/10/2020, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng nghề du lịch Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương tham dự và chủ trì hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đào tạo nghề du lịch, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ  85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Sự phát triển của du lịch đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng, cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương cũng như của đất nước.

Toàn cảnh hội thảo

Những năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tình hình đó đòi hỏi ngành du lịch nói chung và đội ngũ nhân lực du lịch đặc biệt là những lao động có tay nghề giỏi phải nỗ lực rất cao để duy trì đà tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, Hội thảo “Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch ở Việt Nam” nhằm nhận diện và đánh giá đầy đủ hơn về hiện trạng lao động nghề trong hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay, vai trò những đóng góp của lao động nghề đối với hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời xác định những vấn đề và đề xuất định hướng phát triển nguồn lao động nghề du lịch phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch báo cáo tổng quan về nghề du lịch 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, lực lượng lao động du lịch cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên chất lượng và số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp.

Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch, cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường chuyên về đào tạo du lịch, các trường còn lại có đào tạo ngành du lịch), 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Số lượng giảng viên/những người tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc có khoảng 5.120 người, trong đó 2.000 giảng viên, 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý.

Ông Tuấn cho biết, với thực trạng công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của xã hội. Trong nhiều lĩnh vực, trình độ, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về vị trí, việc làm. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đây sẽ là thách thức lớn đối với lao động nghề du lịch Việt Nam.

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành du lịch cần năm 2020 là trên 3 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, lực lượng lao động trong ngành bị ảnh hưởng rất lớn, cần có định hướng giải pháp để phục hồi trở lại đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (TCDL) trình bày tham luận

Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe Thạc sỹ Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn – Tổng cục Du lịch trình bày tham luận “Hiện trạng lao động nghề trong các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam – những vấn đề đặt ra”; Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính trình bày tham luận “Đề xuất giải pháp tăng cường chất lượng và đa dạng hình thức, cách thức đào tạo nghề trong kỷ nguyên số”; ông Võ Tấn Sỹ, Chủ tịch Hiệp hội Bartender TP.HCM trình bày về “Đào tạo nghiệp vụ bartender trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ông Võ Tấn Sỹ, Chủ tịch Hiệp hội Bartender TP.HCM trình bày tham luận tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận sôi nổi về hiện trạng nghề du lịch, đào tạo nghề du lịch, áp dụng tiêu chuẩn nghề và đưa ra các kiến nghị, giải pháp liên quan đến đào tạo nâng cao chất lượng nghề du lịch trong thời gian tới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục