Chả bê ống tre - món quen mà lạ
Để giới thiệu sản phẩm đến nhiều người hơn, anh Hiên triển khai mô hình ki-ốt, đặt tại nhiều quán cà phê, nhiều nơi khác nhau. Ảnh: K.L
Khởi nghiệp với món đặc sản
Sau thời gian lập nghiệp ở phố, anh Trương Thanh Hiên (SN 1986, quê ở xã Bình Nam, huyện Thăng Bình) chọn về quê sinh sống. Trong khi đang loay hoay tìm hướng đi mới, anh Hiên được người anh họ định hướng kinh doanh từ đặc sản quê hương là chả bê Cầu Mống.
Nhận định đây là sản phẩm truyền thống, đã rất quen thuộc với người tiêu dùng, để khởi nghiệp thành công phải tìm công thức đặc biệt, anh Hiên tự mày mò, đi đến nhiều nơi để học hỏi, tìm ra bí quyết của hương vị.
Là dân “tay ngang” không có chuyên môn về sản xuất, anh Hiên tốn khá nhiều thời gian từ tìm hiểu, thử nghiệm cho đến khâu hoàn thiện. Sau nhiều lần thất bại, anh cũng đã tìm được kỹ thuật riêng để tạo ra sản phẩm vừa lưu giữ được hương vị món ăn truyền thống, nổi tiếng của xứ Quảng, vừa sáng tạo, mới lạ, ấn tượng và thu hút người dùng. Đồng thời để giới thiệu sản phẩm của quê hương đến nhiều người hơn, anh Hiên cùng các cộng sự triển khai mô hình ki-ốt, đặt tại nhiều quán cà phê.
Nhờ chiến lược bán hàng hiệu quả và nắm bắt xu hướng phát triển của ngành tiêu dùng để không ngừng cải tiến, đổi mới trong sản xuất, kinh doanh nên “chả bê Cầu Mống Cocimo” của anh Hiên từng bước phát triển và định vị thương hiệu với khách hàng. Hiện tại, bình quân anh bán ra hơn 3 tấn hàng/tháng, với giá trung bình từ 300 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/tháng.
Chả bê được anh Hiên tạo hình thành những sản phẩm mới lạ, độc đáo.
Theo anh Hiên, tuy là món ăn đơn giản, quen thuộc, thế nhưng, để làm được món chả bê khiến bất cứ người nào thưởng thức cũng khen ngon thì không phải ai cũng có thể làm được. Riêng anh rất cẩn trọng trong khâu chọn nguyên liệu, thịt bò phải là loại thịt tươi, sạch, hãy còn nóng, mới mổ đem sơ chế liền, lọc bỏ bớt phần gân thì sản phẩm mới dẻo, thơm.
“Xu hướng tiêu dùng hiện nay thiên về các sản phẩm mộc mạc, đơn giản nhưng an toàn, đảm bảo sức khỏe. Vì thế, ngoài các nguyên liệu cần thiết, mình hoàn toàn không sử dụng các chất phụ gia như hàn the, phẩm màu và chất bảo quản. Để kéo dài thời gian sử dụng chả, không còn cách nào khác ngoài thịt bê phải đảm bảo, tươi, nóng” - anh Hiên chia sẻ.
Làm sản phẩm “xanh”
Thành công xây dựng thương hiệu không chỉ nhờ chất lượng sản phẩm mà “Chả bê Cầu Mống Cocimo” còn tạo ấn tượng với người dùng bởi mẫu mã mới lạ. Theo đó, anh cho nguyên liệu trực tiếp vào ống tre, hai đầu bọc giấy bạc và buộc chặt bằng dây dừa. Kèm với đó, anh sử dụng bao bì hoàn toàn bằng các túi cói, túi cỏ thân thiện với môi trường.
Theo anh Hiên, sử dụng ống tre trong khâu sản xuất là một quyết định liều lĩnh. Bởi không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm, gia công mà giá thành tre cũng cao hơn so với lá chuối. Bên cạnh đó, việc không thấm nước ra ngoài có thể khiến chả mau hỏng hơn so với bình thường.
Để đảm bảo chất lượng, anh phải thử nghiệm sản phẩm nhiều lần, canh lượng nước vừa đủ sao cho chả bê không quá khô, cũng không quá nhão. Ống tre sau khi gia công thành các khúc đều nhau cũng sẽ được luộc qua ở nhiệt độ cao để làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn…
“Việc sử dụng ống tre không chỉ giúp chả bê thêm dậy mùi thơm tự nhiên của tre nứa mà còn là yếu tố quan trọng thu hút người tiêu dùng, giúp mình thành công khi khởi nghiệp” - anh Hiên nói.
Không dừng lại là món ăn ngon và bổ dưỡng, anh Hiên mong muốn chả bê Cầu Mống trở thành món quà tặng sang trọng nên đã sáng tạo và trau chuốt mẫu mã sản phẩm như chả bê khắc tên, tạo hình con vật theo yêu cầu của khách. Đồng thời anh mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hơn các sản phẩm của xưởng như chả heo ống tre, xúc xích tôm, tôm chua ống tre…
“Tất cả nguyên liệu để làm sản phẩm chúng tôi đều lấy từ những cơ sở của người dân trên địa bàn. Vì “Cocimo” luôn mong muốn phát triển bền vững dựa trên nền tảng hương vị quê nhà, từ đó cung cấp sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng” - anh Hiên chia sẻ.
Kiều Ly