Chà Nưa – Điện Biên: Triển khai du lịch cộng đồng
Bản Nà Sự, xã Chà Nưa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại Chà Nưa cùng các thành viên trong đoàn khảo sát, đánh giá về tiềm năng du lịch của vùng đất Ba Chà. Từ quốc lộ 4H nhìn xuống, bản Nà Sự như một bán đảo được bao bọc bởi dòng suối Nậm Bai trong vắt và cánh đồng lúa đang chín vàng rực rỡ. Những làn khói lam hòa quyện trên các mái nhà sàn ẩn hiện giữa màu xanh cây cối tạo nên một khung cảnh thanh bình và lãng mạn.
Chúng tôi đi qua cây cầu treo bắc qua suối Nậm Bai, đây cũng là đường duy nhất để vào bản. Bản có 131 hộ dân đều là người dân tộc Thái, ngành Thái trắng. Dọc theo những con đường bê tông nội bản phẳng phiu, sạch sẽ được trang điểm rất nhiều những khóm hoa, cây cảnh đủ màu sắc; các loại quả trĩu nặng rủ xuống khắp các lối đi ngang, dọc. Hầu hết ngôi nhà sàn trong bản Nà Sự vẫn giữ được bản sắc, những nét đặc trưng nhất của văn hóa Thái. Không gian mỗi ngôi nhà đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và trang trí bằng những bồn hoa, cây cảnh, tạo nên một môi trường sinh thái cân bằng và ấn tượng.
Bên trong mỗi ngôi nhà, không gian sinh hoạt đặc trưng của văn hóa Thái cũng không có nhiều thay đổi, cho dù cuộc sống đã phát triển với nhiều thiết bị tiện nghi và hiện đại. Bên cạnh đó nhiều phong tục, tập quán và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ khá vẹn nguyên trong mỗi gia đình và cộng đồng, như: Tết cơm mới, lễ gội đầu, lễ cúng tổ tiên và các điệu xòe, nhảy sạp…
Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của xã Chà Nưa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa đã biểu dương sự nỗ lực với nhiều cách làm linh hoạt, nhạy bén của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, nhất là thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Ðồng thời đánh giá cao các tiềm năng, lợi thế của Chà Nưa đặc biệt là chủ trương thí điểm mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự. Ðó là giải pháp phù hợp với xu thế phát triển du lịch của tỉnh và của địa phương, đồng thời sẽ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngay sau đó, xã Chà Nưa đã tổ chức cuộc họp cán bộ chủ chốt có sự tham gia của bí thư chi bộ và các trưởng bản trong toàn xã. Cuộc họp đã đi đến thống nhất, quyết tâm xây dựng bản Nà Sự trở thành bản văn hóa tiêu biểu, đáp ứng các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã - người khởi xướng và tâm huyết với ý tưởng này cho biết: Ngay trong cuộc họp, chúng tôi đã đề ra 2 nhiệm vụ quan trọng, trước mắt là sẽ triển khai trồng khoảng 50 cây dừa nước dọc bờ suối Nậm Bai. Ðây là “mặt tiền” của bản Nà Sự, vì vậy cần thiết phải triển khai kế hoạch này trước, dự kiến chỉ 2 - 3 năm nữa sẽ có một hàng dừa soi bóng xuống dòng suối trong xanh. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương trên sườn núi phía sau bản Nà Sự thành diện tích trồng cây ăn quả. Như vậy chỉ 1 - 2 năm nữa sẽ không còn những mảng đồi loang lổ mà thay vào đó là một màu xanh của cây cối. Ðể quyết tâm thực hiện mục tiêu, chúng tôi đã đưa nội dung định hướng phát triển du lịch cộng đồng vào dự thảo nghị quyết trình đại hội Ðảng bộ xã sẽ diễn ra trong đầu tháng 6. Sau đại hội sẽ tiếp tục thành lập đoàn khảo sát để đánh giá lại toàn bộ các thế mạnh và những tồn tại cần phải khắc phục. Bên cạnh đó là triển khai tuyên truyền, vận động về mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức cho các gia đình có đủ điều kiện đăng ký triển khai mô hình “Homestay” và hoàn thiện, nâng cấp các hạng mục cần thiết để phục vụ du lịch.
Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền xã, sự ủng hộ của lãnh đạo huyện và sự đồng thuận của người dân là những lợi thế vô cùng to lớn để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với cả cán bộ và người dân. Do vậy, để triển khai mô hình này trước hết phải hiểu về nó một cách toàn diện. Ðây là loại hình du lịch đề cao yếu tố cộng đồng, gắn trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người dân với lợi ích của chính họ và vì sự phát triển của cộng đồng. Ðó là yếu tố tiên quyết để phát triển du lịch bền vững, do vậy sự đồng thuận của người dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa cộng đồng cũng đòi hỏi phải toàn diện, từ trang phục đến các tập quán sinh hoạt. Và quan trọng nhất, để phát triển du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ các hoạt động mà họ tham gia. Muốn làm được điều đó thì cần phải có phương pháp tổ chức một cách bài bản, khoa học và có hệ thống trong việc triển khai.
Khi chia tay người dân nơi đây, mỗi chúng tôi vẫn còn đọng lại những hình ảnh ấn tượng. Ðó là nụ cười thân thiện của những đứa trẻ, thái độ cởi mở và mến khách của mỗi người dân. Chúng tôi cùng có chung một cảm nhận: Nà Sự là bản văn hóa có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng và sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách nếu được khai thác một cách bài bản và đúng hướng./.