Đặc sản, ẩm thực địa phương – lợi thế để phát triển du lịch miền núi xứ Thanh
Cửa hàng bày bán đặc sản địa phương tại bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước.
Bản Hang, xã Phú Lệ được huyện Quan Hóa chọn làm nơi đầu tiên và cũng là trọng điểm để làm du lịch cộng đồng. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác như bản Lát (Mai Châu, Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), huyện bắt đầu làm du lịch cộng đồng, khám phá. Ngay từ những bước đầu, việc xây dựng, hình thành đặc sản, ẩm thực địa phương luôn là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Những đặc sản như lợn mán, lợn rừng, các loại măng, nếp nương, gà đồi, cá suối, canh đắng, canh loóng... đều gắn liền với đời sống, lao động của đồng bào các dân tộc nơi đây từ lâu đời... Với bàn tay chế biến khéo léo, đa dạng của chính người dân địa phương, những mâm cơm với các món ăn đặc sản vừa ngon, vừa hấp dẫn, mang đậm những nét văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc Thái đã tới với các du khách trong và ngoài nước. Các hộ làm du lịch cộng đồng (homestay) tại bản Hang đều có những đầu bếp giỏi, các món ăn hoàn toàn dân dã nhưng rất hấp dẫn với khách du lịch.
Cùng nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, các điểm du lịch cộng đồng của huyện Bá Thước cũng là nơi thu hút số lượng lớn du khách quốc tế. Bên cạnh những nếp nhà sàn của đồng bào các dân tộc, những thửa ruộng bậc thang hút mắt, những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ, du khách khi tới đây còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sắc của các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng... mà một trong những đặc sản nổi tiếng nhất đó là vịt Cổ Lũng... Huyện Bá Thước những năm qua đã tập trung phát triển đặc sản này vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, vừa để phát triển du lịch. Bên cạnh vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng “thực đơn” theo mùa tại các khu du lịch, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các đặc sản, món ăn đặc sắc tới du khách, bảo đảm 4 mùa luôn có những mâm cơm với 100% đặc sản địa phương. Để làm được điều đó, nhiều năm qua, huyện Bá Thước đã xây dựng các vùng nuôi trồng thâm canh cây, con nuôi đặc sản địa phương, có quy hoạch phát triển vùng thâm canh nuôi vịt Cổ Lũng, trồng ngô ngọt đặc sản, nếp nương, nuôi gà địa phương, lợn rừng, trồng măng ngọt... bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Trong khi đó, với thắng cảnh thác Ma Hao, nhiều năm qua, du khách đến với khu du lịch bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh không chỉ để khám phá, trải nghiệm những cảnh đẹp thiên nhiên, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây, mà còn có cơ hội được thưởng thức đặc sản cá hồi, cá tầm được nuôi trong những dòng nước lạnh. Đây cũng chính là những đặc sản ẩm thực đặc sắc nhất tại điểm du lịch đang ngày càng hút khách này. Cũng xác định các đặc sản ẩm thực địa phương là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, nhất là du lịch khám phá, cộng đồng, những năm gần đây, huyện Thạch Thành đã nhân rộng mô hình homestay tại điểm du lịch thác Mây (xã Thạch Lâm). Du khách được tham quan, khám phá vẻ đẹp của thác Mây và được giải nhiệt mùa hè dưới những dòng nước mát lạnh, trong lành, đồng thời được thưởng thức những đặc sản như ốc đá, gà đồi, cá suối, măng... Kể từ năm 2019, huyện Thạch Thành đã chú trọng việc hình thành và xây dựng các món ăn đặc sản địa phương để thu hút ngày càng nhiều du khách. Huyện cũng xác định rõ, đặc sản, ẩm thực địa phương chính là một trong những yếu tố quan trọng để kích cầu du lịch địa phương phát triển và cũng là hướng để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Qua đánh giá của Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, việc các huyện miền núi Thanh Hóa đầu tư có trọng tâm phát triển đặc sản, ẩm thực địa phương để phát triển du lịch là tín hiệu đáng mừng. Kết quả thu được đó chính là sự yêu thích của du khách. Từ cách làm nhỏ lẻ, đến nay các địa phương đều đã tổ chức tốt hơn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Những mâm cơm ngon mang đậm nét văn hóa truyền thống, phong tục của người dân giờ đây đã gần gũi hơn với du khách, nhận được sự đón nhận, yêu thích của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài việc tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho các hộ làm du lịch cộng đồng, các huyện đều có định hướng xây dựng đặc sản, ẩm thực địa phương đặc trưng của riêng mình để tạo ra sự hấp dẫn, giữ chân du khách. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh được đặt lên hàng đầu, vì vậy đến nay các hộ làm du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi đã từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách... Với cách làm sáng tạo, ngành công nghiệp không khói tại khu vực miền núi xứ Thanh sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo của các địa phương./.