Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai
Nguồn: UNDP (VN)
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai được thành lập tại Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20 tháng 2 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 02 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập trong khuôn khổ hỗ trợ của dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” (2015 – 2020) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ.
Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế là hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có số lượng loài sinh vật rất phong phú và hết sức đa dạng về các hệ sinh thái gồm 1.296 loài (bao gồm 41 loài quý hiếm) sinh sống trong các hệ sinh thái đặc thù mang tính đại diện cho khu vực như cỏ biển, thực vật thủy sinh nước ngọt, cửa sông, rừng ngập mặn...
Nguồn: UNDP (VN)
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống và phát triển thuận lợi nhất cho các loài thủy sinh vật, cung cấp các bãi giống, bãi đẻ và là nơi có tầm quan trọng đặc biệt đối với các loài chim di cư, trú đông, trong đó, có một số loài chim nước di cư, trú đông có tầm quan trọng quốc tế, bị đe dọa trên toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Tại đầm phá cũng có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn lợi thủy sản, nguồn giống tôm, cá lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đầm phá.
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai sẽ góp phần bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang-Cầu Hai./.
Khu bảo tồn thiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai có diện tích 2.071,5ha; bao gồm 2 phân vùng Ô Lâu, Cồn Tè-Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Vùng đệm của Khu bảo tồn đất ngập nước gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá. |