Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu: Nỗ lực phục hồi du lịch sau dịch COVID-19
Đoàn du khách đầu tiên đến tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Ảnh: H.T
Từng bước vượt khó
Trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp DL lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, thị trường khách đến địa phương suy giảm mạnh, tình trạng hủy tua của du khách lên đến 60 - 80%, cá biệt trong tháng 4/2020, thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội thì DL gần như “tê liệt”, tăng trưởng “bằng 0 hoặc âm”, các khách sạn công suất phòng giảm mạnh, doanh thu khối nhà hàng, khách sạn giảm đáng kể, các điểm tham quan DL và điểm đến đều bị thiệt hại và giảm sút so với cùng kỳ năm 2019… Chưa khi nào DL Bạc Liêu lại khủng hoảng đến như thế, nhưng đó cũng là bối cảnh chung của ngành DL cả nước trước tình hình dịch bệnh! Hiện nay, mặc dù đã có những tín hiệu phục hồi, nhưng năm 2020 vẫn sẽ là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành DL nếu không có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đoàn kết tham gia của các doanh nghiệp.
Để tháo gỡ những khó khăn của ngành DL Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, Hiệp hội DL tỉnh Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với Sở VH-TT-TT&DL thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, vực dậy ngành DL. Cụ thể là tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh để bàn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh; vận động các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp kích cầu DL, thực hiện các chính sách khuyến mại, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ DL; vận động các doanh nghiệp tham gia các gói kích cầu DL do Tổng cục DL, Sở DL TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội DL ĐBSCL phát động… Những giải pháp trên bước đầu đã phát huy hiệu quả, lượng khách DL đến với Bạc Liêu và sử dụng các dịch vụ bắt đầu tăng lên.
Đồng bộ nhiều giải pháp
“Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung doanh nghiệp DL vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Hiệp hội DL tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý DL tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp DL để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp DL thì hiện nay mặc dù đã có các gói hỗ trợ của Chính phủ, có chính sách giảm giá điện nhưng việc tiếp cận, hồ sơ thủ tục rất phức tạp, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận”, Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh Bạc Liêu - Trịnh Công Vinh chia sẻ.
Theo nhận định của ông Trịnh Công Vinh, dịch COVID-19 là một “phép thử” cho cơ chế liên kết của DL ĐBSCL. Qua thực tế đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt xuất hiện tình trạng mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp tự làm, thiếu tính liên kết và vấn đề này rất dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, để đóng góp cho lợi ích chung và cũng là nhằm hướng đến lợi ích thiết thực cho từng tỉnh, thành phố trong khu vực, Hiệp hội DL tỉnh Bạc Liêu cũng đã đề xuất Hiệp hội DL ĐBSCL và các địa phương cần sớm nghiên cứu và tìm ra cơ chế điều phối liên kết hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình và diễn biến mới như hiện nay.
Bên cạnh các giải pháp kích cầu DL, Bạc Liêu đang xúc tiến đầu tư mới các sản phẩm DL nông nghiệp, DL trải nghiệm tại khu vực huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, để hình thành thêm tuyến DL mới trên cơ sở phát huy lợi thế của tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, kết nối từ TP. Cần Thơ đến các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Thực tế nguồn nhân lực DL đang thiếu và yếu, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm nghỉ, dẫn đến thực trạng nhiều người chuyển đổi nghề hoặc đi đến các địa phương khác kiếm việc làm. Đây là vấn đề đáng báo động, đòi hỏi tỉnh cần sớm có giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL. Hiệp hội DL tỉnh cũng đã đề xuất với Hiệp hội DL ĐBSCL kiến nghị Trung ương quan tâm và có chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là thông qua các cơ chế tài chính hữu hiệu; đề xuất Hiệp hội DL ĐBSCL và các địa phương nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DL hoặc Quỹ khởi nghiệp DL (từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp hoặc kêu gọi tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế). Thông qua các nguồn quỹ sẽ từng bước hỗ trợ các địa phương trong khu vực, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn lực phát triển DL.
Cẩm Thúy