Chiều trên Hải Vân Quan
Di tích quốc gia Hải Vân Quan đang được trùng tu. Ảnh: Nguyễn Đông
Chiều nay đẹp trời, tôi và mấy người bạn hứng chí đi phượt bằng xe máy lên đèo Hải Vân. Tôi không thích đi hầm đường bộ mà chỉ muốn đi trên địa hình hiểm trở để lấy lại không khí tươi mới sau những ngày mưa dầm ủ dột và ngắm nhìn nắng hoe vàng trên nền xanh trập trùng.
Sau cơn lũ lớn hồi tháng 10/2022 làm hư hại trên đường đèo đến nay hậu quả vẫn còn lưu dấu. Còn đó nhiều đoạn đường bị sạt lở taluy, dọc tuyến đèo, tôi thấy nhiều rọ đá để gia cố những điểm nguy hiểm. Nhìn lên, tôi thấy có những đoạn phía trên núi đang hình thành dòng chảy mới, tiềm ẩn nguy cơ đá lăn chứ chẳng phải chơi.
Tuy vậy chúng tôi nói với nhau “nắng mưa là bệnh của trời, đi chơi là chuyện chúng tôi phải làm”. Xe chúng tôi vượt qua những dãy đèo may mắn bàn tay con người chưa chạm tới được nên đó đây từng mảng lớn nhỏ, đậm nhạt khác nhau vẫn còn chút xanh ngát của rừng già. Tôi đếm thử không biết bao nhiêu là sắc mầu với nền xanh chủ đạo trải dài nhấp nhô theo từng vị trí tôi đứng.
Này đây rừng bạc hà do bàn tay con người chăm sóc với mầu xanh bạc, kia là mảng xanh vàng của đám lá cây đang chuyển mùa nên sắc úa khô, hay xác xơ rũ rượi. Cũng thú vị giáp mặt với mầu phượng đỏ mọc hoang, điểm xuyết mấy bông muộn màng lúc trời vào đông thật đẹp giữa đèo quanh co uốn khúc.
Tôi đứng mé đèo nhìn về phố xá trong nắng chiều, này đây là con đường Nguyễn Tất Thành lượn theo vịnh Đà Nẵng và kia là cầu Thuận Phước cùng những dãy phố có những tòa nhà chạy ôm đường biển chấm phá như bức tranh mầu nước. Rất xa bên dưới là cảng Tiên Sa, là bán đảo Sơn Trà mờ ảo, thấy cả Cù Lao Chàm thăm thẳm. Còn vịnh Lăng Cô tưởng như với tay tôi chạm được nó với những làng chài, những bãi biển xanh như ngọc trước mặt.
Các tảng mây trôi ngang đầu tưởng với tay là chạm, tôi nhớ cảm giác này khi xưa cũng có trên đỉnh Bà Nà, nay tôi nghĩ, các công trình bê-tông hóa làm khí hậu ấm nóng nên mây đã bỏ đi. Lên đèo, tôi lại tìm cảm giác hồi hộp vì sự nguy hiểm của việc đổ dốc nhưng lại thích thú vì sự tự do.
Tôi nhớ ngày xưa, trước 1975, xe từ Lăng Cô hay Liên Chiểu phải đợi tụ thành một đoàn rồi bắt đầu trèo đèo cùng một lượt. Đến đỉnh đèo thì đoàn xe dừng lại ở trạm kiểm soát và rồi xuống đèo cùng một lượt cho đến qua khỏi trạm kiểm soát ở chân đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ có một chiều xe chạy.
Tôi lại bước vào bên trong cửa ải Hải Vân. Địa chỉ này hôm nay đang được trùng tu với tôi không có gì lạ, nhưng mỗi lần đến tôi lại sống với cảm giác chạm tay vào dấu vết tiền nhân. Mới hôm qua, tôi đọc thông tin lưu trữ trên mạng, lần này tôi bổ sung thêm một chi tiết mới của lịch sử qua sách vở. Đó là:
“Ải Vân quan còn chứng kiến cuộc ngự du của Vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa; tháp tùng là giới chức Pháp gồm có Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière lên tận cửa ải để ngắm cảnh quan. Năm 1876 trước khi người Pháp lập nền bảo hộ thì nhà địa lý học Jules Léon Dutreuil de Rhins khi đi đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế có ghi nhận rằng cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885 sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884) thì số lính chỉ còn khoảng năm người và sang đầu thế kỷ XX, khi Henri Coserat của Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) lên đèo quan sát thì cửa ải đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác”.
Nguyễn Phin