Hành trang lữ khách

Chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ (Điện Biên Phủ)

Cập nhật: 27/05/2020 08:00:49
Số lần đọc: 955
  Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp cùng đoàn famtrip của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chinh phục đỉnh núi Pú Tó Cọ, nơi đặt Ðài quan sát trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ. Ðược trở lại một chứng tích góp phần làm nên thắng lợi trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm xưa đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc dù cho hành trình trải nghiệm không hề dễ dàng...

 


Thành viên đoàn famtrip trải nghiệm quan sát lòng chảo Mường Thanh bằng ống nhòm.

Vì đã có cán bộ đi “tiền trạm”, cả đoàn lựa chọn chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ từ hướng bản Khá, xã Mường Phăng. Thời tiết hôm ấy khá tốt, trời mát, có nắng dịu. Do được dặn dò từ trước nên hành trang của chúng tôi hết sức gọn nhẹ, nai nịt gọn gàng để sẵn sàng cho một chuyến chinh phục đầy hào hứng. Ðiểm tô cho hành trình thêm thi vị còn là bạt ngàn các loại hoa rừng bung nở muôn sắc hai bên đường. Khi nhận lệnh xuất phát, ai nấy đều hào hứng, hăng hái vượt lên những con dốc đầu tiên. Băng qua suối đầu nguồn của bản, chúng tôi vẫn rất thoải mái di chuyển vì đường rộng rãi, độ dốc chưa quá lớn. Vừa đi, chúng tôi vừa tranh thủ tìm hiểu gốc tích sâu xa của đỉnh núi Pú Tó Cọ từ những người dẫn đường bản địa. Theo nhiều người lớn tuổi ở Mường Phăng kể lại, cái tên Pú Tó Cọ được đặt cho đỉnh núi này không biết từ bao giờ. Chỉ biết đây là đỉnh núi vừa cao, vừa nhiều cây cối rậm rạp, càng đi lên đỉnh càng lạnh nên người dân Mường Phăng ít khi đặt chân lên đó. Chỉ đến ngày nay khi người dân chăn thả gia súc, tìm kiếm lâm sản mới có con đường mòn lên đỉnh núi này...

Càng vào sâu trong rừng, bắt đầu xuất hiện những con dốc tức làm cho mọi người thấm mệt, bước chân dường như nặng nề hơn. Bù lại là không khí trong lành, tiếng chim muông và những cơn gió mát đã giúp chúng tôi xua bớt phần nào mệt nhọc. Theo sáng kiến của một anh có kinh nghiệm đi rừng, các thành viên trong đoàn nhanh chóng tìm cho mình một chiếc gậy chống. Nhờ có sáng kiến này mỗi bước đi của chúng tôi thêm vững chãi, an toàn hơn. Kết thúc chặng 1 của cuộc trải nghiệm, cả đoàn dừng chân tại một ngôi nhà sàn cũ của người dân để kiểm đếm quân số và lấy sức sẵn sàng cho đoạn đường tiếp theo. Từ đây đường đi khó khăn hơn khi lối mòn chỉ vừa một người đi, có lúc bị phủ lấp bởi cây dại, có những đoạn phải luồn dưới cây rừng, băng qua những chặng dây leo. Dù đã được báo trước, nhưng chúng tôi không tưởng tượng được lại gian nan đến vậy. Càng lên cao, độ dốc càng lớn, chị em phụ nữ gần như kiệt sức, dừng nghỉ liên tục. Chúng tôi cũng chẳng khá hơn. Mỗi bước đi đều phải hết sức cẩn thận vì rất có thể bị trượt chân khi dẫm phải lá mục, cành khô. Ðến lúc tưởng chừng không thể tiếp tục cuộc đua thể lực này nữa thì tiếng hò reo vang trời của mấy cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo hiệu chúng tôi đã đến đích...

Gần chính ngọ, tức là sau hơn 4 tiếng băng rừng, vượt dốc cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên đỉnh Pú Tó Cọ - nơi đặt Ðài quan sát trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Lần đầu tiên đi bộ vượt qua quãng đường dài như vậy, cảm xúc đầu tiên của chúng tôi là hạnh phúc. Ðứng trên đỉnh cao, những cơn gió mát mơn man giúp chúng tôi xua tan phần nào mệt mỏi khi trải qua một hành trình gian nan. Lại sức phần nào, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tại sao bộ đội ta lại lựa chọn đỉnh núi này để đặt Ðài quan sát. Theo tài liệu nghiên cứu, sở dĩ Ðài quan sát chiến dịch Ðiện Biên Phủ được đặt tại đây vì nơi này nằm ở đỉnh cao 1.700m so với mực nước biển. Từ đây có thể quan sát được cánh đồng Mường Thanh và Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðây cũng là địa điểm an toàn, tuyệt đối bí mật và nằm gần Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng để tiện việc theo dõi và nắm bắt tình hình ngoài chiến sự. Từ đó, kịp thời đưa ra những chỉ thị, chiến lược mới của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Ðặc biệt, 9 giờ sáng ngày 6/5/1954, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp lên Ðài quan sát để nắm tình hình chiến sự. Cùng với những thông tin từ các Ðại đoàn trực tiếp tại mặt trận báo về, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra mệnh lệnh tổng tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, thu về kết quả toàn thắng vào ngày 7/5/1954. Tuy nhiên, qua thời gian, những vết tích của Ðài quan sát trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã bị phủ lấp bởi cây cỏ, lau sậy và nhiều loài hoa dại. Nhiều người kể lại, tại đây đã từng có một tấm bia bằng bê tông ghi lại sự kiện diễn ra vào năm 1954. Thế nhưng không biết ai đã đào mang đi mất, di tích cũng không còn được nguyên trạng như xưa… Ðiều này khiến chúng tôi vô cùng trăn trở về nguy cơ mai một của di tích. Hơn nữa, nơi đây cũng chưa được trùng tu, tôn tạo cho xứng tầm với giá trị lịch sử.

Trở lại với hiện tại, đứng trên đỉnh núi hôm nay, chúng tôi phóng tầm mắt có thể nhìn thấy xã Mường Phăng, lòng hồ Pá Khoang, lòng chảo Ðiện Biên, quay sang hướng khác có thể thấy hồ Nậm Ngám của xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông, ngoảnh đầu lại là thung lũng “Mường Khoe” của huyện Mường Ảng. Trong vai chiến sĩ trinh sát của 66 năm về trước, chúng tôi dùng ống nhòm nhìn về thung lũng Mường Thanh, thấy rõ được những mảnh ruộng xanh tươi, những ngôi nhà xây san sát của người dân TP. Ðiện Biên Phủ ngày nay... Ðó đều là những trải nghiệm thú vị, đầy tự hào mà không phải đứng ở đỉnh núi hay vị trí nào khác có thể cảm nhận được. Qua trải nghiệm thực tế, chúng tôi càng cảm phục sự tài tình trong nghệ thuật quân sự và những tư duy sáng tạo của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Mục đích của chuyến trải nghiệm ngày hôm nay không chỉ tìm về quá khứ mà còn mong muốn hướng tới tương lai. Thành viên đoàn có nhiều thành phần, từ cán bộ Văn hóa, Du lịch cho đến các công ty lữ hành du lịch. Tất cả đến đây đều mong muốn điểm di tích mang giá trị lịch sử quan trọng này sẽ được bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng như 66 năm về trước. Không chỉ vậy, sau chuyến đi này, các thành viên trong đoàn sẽ sớm có đề xuất, tìm giải pháp phát huy đỉnh Pú Tó Cọ trở thành điểm du lịch trải nghiệm trong tương lai không xa...

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục