Cho tiếng đàn, điệu hát vang xa
Ông Điêu Chính Dong, bản Ten, thị trấn Tủa Chùa truyền dạy kỹ thuật đánh đàn tính tẩu cho con cháu.
Chúng tôi về bản Ten, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) để gặp nghệ nhân Điêu Chính Dong. Đã vào tuổi ngoài 60 nhưng ông Dong vẫn miệt mài, tỉ mỉ chế tác ra từng cây tính tẩu, truyền lại cho thế hệ sau biết về cội nguồn, nét văn hóa truyền thống dân tộc mình. Ông Dong chia sẻ: “Tiếng Thái “tính” có nghĩa là đàn, “tẩu” là quả bầu”. Từ ngày có bản, có mường, người Thái trắng Tủa Chùa đã biết đến tính tẩu, coi tính tẩu như báu vật trong nhà và được truyền từ đời này qua đời khác. Trước đây, các chàng trai trong bản thường mang cây tính tẩu đi gẩy để đánh thức người con gái mà mình thầm thương, trộm nhớ thay cho lời tỏ tình. Nhờ tiếng tính tẩu thánh thót, trầm bổng mà người con gái cũng có thể đoán biết được người mình yêu. Khác với người Thái đen, người Thái trắng không có đàn tính đệm thì không thể hát được. Đàn tính được gẩy đệm cho các điệu hát dân ca của đồng bào Thái trắng, với cung bậc, âm thanh trầm, bổng khác nhau và tiếng tính tẩu phải luôn luôn luyến láy, lên xuống theo giọng hát của từng người.
Hiện nay, cùng với việc bảo tồn các làn điệu hát then, các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nghệ nhân làm tính tẩu ở Tủa Chùa luôn tích cực truyền dạy nghệ thuật làm đàn cho các thế hệ kế cận, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Để làm hoàn chỉnh một cây tính tẩu, phải trải qua những công đoạn cơ bản từ các bộ phận chính là thân đàn, bầu đàn, dây đàn rồi đến các chi tiết nhỏ làm đẹp như trang trí họa tiết hoa văn cho cây đàn trước khi sử dụng. Đặc biệt, công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh, độ trầm, bổng. Bầu đàn làm bằng phần dưới vỏ quả bầu nậm, đường kính khoảng 15 - 20cm, bầu đàn phải có độ tròn, dày đều. Để đàn có độ bền cao, dùng lâu, không bị cong vênh cần lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, chiều dài thường là 9 nắm tay (75 - 90cm) của người chơi đàn để làm cần đàn. Mặt đàn xẻ mỏng khoảng 3mm, trên mặt đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm... Công đoạn lắp dây đàn đòi hỏi người làm đàn giỏi không chỉ cần đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, kinh nghiệm chơi đàn, thẩm âm giỏi.
Người làm đàn tốt phải biết đánh đàn và thuộc nhiều làn điệu Then. Theo kinh nghiệm ông cha truyền lại thì công thức cho tỷ lệ bầu đàn và cần đàn là sẽ theo kích cỡ nắm tay của người thợ làm đàn đó, tức là “sam căm tẩu, cẩu căm càn” (chiều rộng mặt bầu được đo bằng ba nắm tay, chiều dài thân đàn là chín nắm tay). Tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, có thể độc tấu, đệm hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: Sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp… Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát. Đối với người Thái trắng trên cao nguyên đá Tủa Chùa thì tính tẩu là loại nhạc cụ truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức cũng như phong tục tập quán của họ. Trong cuộc sống, người Thái trắng dùng tiếng đàn để tỏ tình, tâm sự nỗi lòng và để đệm hát giao duyên. Trong lễ hội tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là nghi lễ Then, tính tẩu dùng để thể hiện các làn điệu hát Then (khắp then), hát thơ (khắp xư) cùng với “pí một lao” (hát cúng các vị thần linh trên trời), người hát là thầy Then, thầy mo, thầy cúng nên trong quan niệm của người Thái trắng, tiếng đàn trở thành linh thiêng, “vật thiêng” trời ban.
Tuy nhiên, theo ông Điêu Chính Dong hiện nay số người biết chế tác tính tẩu và hát dân ca Thái ở Tủa Chùa ngày càng ít đi. Hơn nữa, đa phần các nghệ nhân chế tác đàn tính tuổi đã cao, già yếu, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, vất vả dẫn tới nguy cơ không còn người chế tác tính tẩu tinh xảo chuẩn mực về âm thanh. Đặc biệt, đứng trước xu thế hội nhập, sự du nhập của các nền văn hóa âm nhạc hiện đại, khiến tầng lớp thanh, thiếu niên không còn mặn mà với các loại hình văn hóa dân gian nên việc truyền dạy, gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái nói chung, cây tính tẩu nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Trải qua bao đời, tính tẩu luôn khẳng định vị trí không thể thay thế trong biểu diễn làn điệu then ở các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của người Thái trắng ở Tủa Chùa. Đàn tính, hát then góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, là món ăn tinh thần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái. Vì thế, để gìn giữ cây đàn tính tẩu trường tồn với thời gian, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ, lập hồ sơ pháp lý và khoa học về các làn điệu, lời thơ nghi thức hát then truyền thống mà có sự hiện diện của cây đàn tính tẩu. Hàng năm, khuyến khích mở các lớp truyền dạy dân ca hát then, đàn tính trong cộng đồng; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh hát then và trưng bày cây đàn tính tại các gian hàng trưng bày khi tham gia các sự kiện quảng bá du lịch trong, ngoài huyện... Chú trọng bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân hát then, đàn tính truyền dạy sâu rộng di sản này trong cộng đồng, từ đó thành lập các CLB hát then, đàn tính.
Lò Thị Tình - Sầm Phúc