Hà Nội: Sẵn sàng cho Lễ hội chùa Thầy 2023
Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Ảnh: Hồng Hạnh
Chùa Thầy nằm trên địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội có tên chữ là Thiên Phúc Tự. Chùa được khởi dựng vào thời Lý, gắn với cuộc đời chân tu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Những giá trị nổi bật nhất của ngôi chùa đến giờ vẫn được bảo lưu nguyên vẹn, gồm ba tòa chùa Cả mang dấu ấn kiến trúc đặc trưng của thế kỷ XVII, ngôi Thủy đình giữa hồ sen cùng các pho tượng gỗ đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Với những giá trị độc đáo về kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật và cảnh quan không gian đặc sắc, chùa Thầy đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2014.
Hội chùa Thầy được duy trì hằng năm, là một trong những lễ hội được đông đảo du khách trông ngóng nhất ở mảnh đất xứ Đoài. Đáp ứng mong mỏi của khách thập phương, địa phương qua mỗi năm tổ chức, đều cố gắng nâng cấp, cải thiện công tác quản lý và lễ hội, đưa vào nhiều sáng kiến, giải pháp để lễ hội ngày càng hoàn thiện, hấp dẫn hơn. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, Lễ hội chùa Thầy năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26-4 (tức mùng 5 đến mùng 7 tháng Ba âm lịch).
Với mục tiêu trở thành mùa lễ hội, nơi du khách có thể trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của xứ Đoài, Lễ hội chùa Thầy năm nay, bên cạnh phần lễ với những nghi thức truyền thống được thực hành đầy đủ, còn có những không gian tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, cùng các trò chơi dân gian gắn bó với người dân bản địa, như: Cờ tướng, cờ người, đánh đu, bịt mắt đập niêu, kéo co…
“Đặc biệt, tại khu vực thủy đình vào các khung giờ cố định sẽ diễn ra các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống, với nghệ thuật múa rối nước, cồng chiêng, hát quan họ… và đặc biệt là di sản Hát Dô vừa được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phục vụ nhân dân tham quan, trải nghiệm”, ông Nguyễn Đức Nam nói.
Một điểm mới khác của lễ hội năm nay là Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức "Hành trình du lịch văn hóa, lịch sử chùa Thầy năm 2023", kết nối không gian lễ hội với các điểm tham quan hấp dẫn khác trong khu vực, như: Khu vực núi đá Sài Sơn, động Hoàng Xá, đình So…; phối hợp với Tập đoàn Tuần Châu tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, như: Múa lân, múa sạp, trình diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, dân ca dân vũ và tour cá heo trong không gian Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội.
Trước đó, để bảo đảm cảnh quan, môi trường sạch đẹp, Ban tổ chức lễ hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng, đèn hắt, đèn trang trí quanh khu vực hồ Long Trì, sân chùa Cả, Thủy đình… Sắp xếp lại hàng quán, bãi đỗ xe, phân luồng giao thông, giải tỏa lối vào trước cổng chùa, tạo thuận lợi cho đoàn tế, rước thực hành nghi thức, cũng như du khách có không gian chiêm ngưỡng, theo dõi từng đoàn rước, không bị chen lấn, xô đẩy; yêu cầu các hộ kinh doanh niêm yết công khai giá, vận động lắp đặt ô che đồng bộ, tháo dỡ lều bạt tự phát, gây nhếch nhác; tổ chức thí điểm hệ thống xe điện đưa, đón du khách tham quan, cấm toàn bộ hàng rong và xe ô tô đi vào khu vực lễ hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, hấp dẫn và ý nghĩa, huyện cũng đã tích cực hoàn thành dự án tu sửa cấp thiết đối với Quán Tam Xã (thôn Sài Khê, xã Sài Sơn); dự án tu sửa cấp thiết Thủy đình (nhà Tám mái), chùa Hoàng Kim thuộc quần thể khu vực núi động Hoàng Xá, đồng thời thiết kế hệ thống pa nô cỡ lớn giới thiệu toàn cảnh và các điểm trong khu chùa Thầy, Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội…
Với nhiều chương trình hấp dẫn cũng như sự chuẩn bị chu đáo, Ban tổ chức Lễ hội chùa Thầy năm nay kỳ vọng sẽ tạo được điểm nhấn văn hóa độc đáo của vùng đất xứ Đoài, tiến tới đề nghị ghi danh Lễ hội chùa Thầy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguyễn Thanh