Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh: Hấp dẫn du khách
Điểm đến hấp dẫn
Em Nguyễn Đăng Khoa, học sinh lớp 6, Trường THCS Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ, được tham quan thực tế tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh em rất vui. Qua những hiện vật trưng bày giúp em hiểu hơn về nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Tham quan, trải nghiệm thực tế là cách giúp chúng em học tập tốt hơn, nhất là môn Lịch sử.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, du khách đến từ TP.Quảng Ngãi cho biết, đến với Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, chúng tôi được ngắm nhìn trực tiếp các hiện vật từ cách đây hàng nghìn năm. Đây là những di sản quý giá cần được lưu giữ và phát huy giá trị. Trong chuyến tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, tôi cũng rất ấn tượng với hoạt động trải nghiệm đi thuyền trên đầm An Khê.
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh hiện đang trưng bày với hơn 700 hiện vật, hình ảnh, tài liệu có giá trị về nền Văn hóa Sa Huỳnh, gồm các mộ chum, các chuỗi hạt trang sức bằng đá mã não, chuỗi vòng vỏ ốc, những hiện vật về nguyên liệu chế tác đồ trang sức, đồ trang sức bằng đá, sắt, vỏ ốc, xương động vật... Anh Huỳnh Chí Cường, cán bộ phụ trách Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh cho biết, từ cuối tháng 3/2023 đến nay, nhà trưng bày đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Chúng tôi đã giới thiệu đến du khách, nhất là học sinh, sinh viên hiểu hơn về nền Văn hóa Sa Huỳnh - một trong 3 nền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, về ý nghĩa của những hiện vật được trưng bày để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tự hào, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đổi mới để phục vụ du khách tốt hơn
Để làm phong phú, tạo điểm nhấn tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã bổ sung trưng bày bộ sưu tập bảo vật quốc gia bình gốm đất nung Long Thạnh; bổ sung 3 mộ chum và 7 bộ bàn nghiền của dự án chỉnh lý hiện vật khảo cổ khai quật tại mặt bằng hồ chứa nước Nước Trong và trưng bày 3 mộ chum khai quật tại thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức).
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nguyễn Viết Nghĩa cho biết, bảo tàng đã bổ sung các hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Qua đó, làm rõ sự đa dạng của Văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi. Đơn vị cũng sẽ đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ, hệ thống thuyết minh tự động, chỉnh trang toàn bộ nhà trưng bày để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh - Ảnh: K.Ngân
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là tạo ra sự cộng hưởng "sinh lời" cho người dân địa phương từ việc làm du lịch cộng đồng. Bà Bùi Thị Vân (68 tuổi), người dân ở Làng Du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), dù lớn tuổi nhưng vẫn tích cực học kiến thức làm du lịch. Nhờ làm du lịch, gia đình bà Vân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngôi nhà tranh của gia đình bà Vân giờ là điểm homestay thu hút nhiều du khách tham quan. “Làng tôi trước đây không ai biết đến. Nhiều người phải đi làm ăn xa. Giờ thì đã khác, khi có Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, rất đông du khách đến tham quan. Người dân địa phương có điều kiện làm du lịch, nâng cao thu nhập", bà Vân chia sẻ. Cũng như bà Vân, nhiều hộ dân ở khu vực xung quanh Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh chỉnh trang đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ homestay... Xây dựng chương trình tham quan trải nghiệm đan lưới, làm bánh, hát hố, hát bài chòi để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Liêm - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, sự hiện diện của nền Văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi thật sự là một thế mạnh, không phải nơi nào cũng có. Quảng Ngãi cần triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch. Cần ưu tiên nghiên cứu, triển khai khảo cổ các điểm mới nhằm tiếp tục phát hiện những dấu tích của Văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, đầu tư nâng cấp Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Bên cạnh đó, giữ gìn và phát huy các giá trị xung quanh khu vực đầm An Khê, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Văn hóa Sa Huỳnh là di sản văn hóa thế giới trong thời gian tới. "Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh rất độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Vì vậy, cần được đầu tư, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá này, đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh thành điểm đến của du lịch, hấp dẫn, bền vững mang tầm khu vực và quốc tế", PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định.
Kim Ngân