Chùa Hương Hải (Bắc Ninh)
Nằm trên khoảng đất có vị trí rộng rãi, thoáng đãng bên bờ sông Đuống, chùa Hương Hải quay mặt về hướng nam và nằm dưới tán đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tạo nên vẻ uy nghiêm, bề thế. Chùa Hương Hải có kết cấu kiểu chữ “đinh”, bên ngoài là khu vườn bao quanh chùa. Qua một sân gạch hẹp tới nhà thờ Tổ và nhà Mẫu gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì kèo đỡ mái được làm theo kiểu “kèo cầu quá giang, cột trốn”, bào trơn đóng bén. Cửa phía sau thông với thượng điện. Bên trong xây các bệ thờ tự, bệ giữa thờ Mẫu, bên trái thờ Tổ, bên phải thờ vong.
Tiền đường được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài. Bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, chính giữa gắn tấm biển đề ba chữ Hán “Hương Hải tự”. Bên trong chia thành 5 gian, 4 hàng chân cột gỗ tròn đặt trên các hàng chân tảng bằng đá. Các vì giữa đỡ mái nhà làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Hai vì đầu hồi kiểu “kèo cầu quá giang” gác trực tiếp lên tường bổ trụ, mái phân “thượng tam, hạ ngũ”. Các họa tiết trang trí trên hai bức cốn nách gian giữa theo phong cách chạm nổi, chạm lộng với đề tài “tứ linh quần hội” hay các hoa văn hình học. Thượng điện gồm 3 gian chạy dọc về phía sau tạo thành hình chữ “đinh”, phía trước nối với gian giữa tiền đường. Việc bài trí tượng thờ tại tòa tam bảo được tuân thủ theo các nguyên tắc của giáo lý nhà Phật.
Trong chùa Hương Hải hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Hệ thống tượng tròn thời cuối Lê - đầu Nguyễn, 8 bức hoành phi sơn son thếp vàng, 3 câu đối, 1 cây hương đá, 8 bát hương sứ gốm da lươn, 5 bát hương sứ men trắng vẽ lam, 1 quả chuông đồng đúc năm Tân Sửu (1841) và nhiều đồ thờ tự khác.
Chùa Hương Hải cùng với đình Chi Đông gần đó là “địa chỉ đỏ”, nơi liên lạc của cách mạng và nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1996, chùa Hương Hải và đình Chi Đông được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Quỳnh Ngọc