Non nước Việt Nam

Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)

Cập nhật: 05/01/2023 08:37:28
Số lần đọc: 890
Năm 2012, Khu di tích (KDT) Gò Tháp vinh dự được Thủ tướng chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành, UBND huyện Tháp Mười, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai tốt nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, góp phần phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.  


Đông đảo người dân, du khách đến Khu di tích Gò Tháp nhân dịp Lễ tưởng niệm 156 năm Ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

KDT Gò Tháp có diện tích 289ha, tọa lạc tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, là nơi hội tụ nhiều giá trị to lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử gắn liền với vùng đất Nam bộ. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh Gò Tháp là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng thời văn hóa Óc Eo và là “thủ phủ” của một Tiểu quốc thuộc Vương quốc Phù Nam ở Nam bộ. Đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng chục di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: đền thần, ao thần, giếng thần, xưởng chế tác. Bên cạnh đó, nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: sưu tập tượng thần Hindu giáo, sưu tập tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng... cũng được tìm thấy ở KDT Gò Tháp. Về giá trị lịch sử, Gò Tháp từng là “Đại bản doanh” của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 1864 - 1866. Sau năm 1945, Gò Tháp được Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ chọn làm căn cứ kháng chiến trong giai đoạn từ năm 1946 - 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong khi đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 4/1/1960.

KDT Gò Tháp còn mang nét độc đáo về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Mỗi năm, KDT Gò Tháp diễn ra hai kỳ lễ hội truyền thống: Lễ vía Bà Chúa xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và Lễ tưởng niệm Ngày mất của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (rằm tháng 11 âm lịch), thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương. Ngoài ra, KDT Gò Tháp còn có khu sinh thái rộng hơn 160ha, là nơi gìn giữ, bảo tồn nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động - thực vật đặc hữu và nơi được xem là Vương quốc của sen.

Từng bước đưa KDT Gò Tháp trở thành điểm đến du lịch trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp với vốn đầu tư hơn 95 tỷ đồng. Đến nay, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng của KDT Gò Tháp đã được xây dựng, khang trang như: Đền thờ, tượng Thiên hộ Võ Duy Dương; tu bổ miếu Bà Chúa Xứ. Xây dựng mới nhà bảo quản 3 di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Óc Eo là di tích Đền thần Shiva Gò Minh Sư; di tích đền thần mặt trời phía Nam Chùa Tháp Linh và di tích Ao thần Gò Tháp. Bên cạnh đó, công tác thăm dò, khai quật khảo cổ cũng được đẩy mạnh thực hiện hơn 10 cuộc. Qua đó, phát hiện nhiều di tích, hiện vật có giá trị là tiền đề để xây dựng hồ sơ khoa học vinh danh quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp là Di sản văn hóa Thế giới.

Ngoài ra, Sở VHTTDL cũng đang triển khai thực hiện hạng mục Nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ và Văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp. Đây là công trình trưng bày hình ảnh, hiện vật về hoạt động của Xứ ủy, Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ ở Gò Tháp giai đoạn năm 1946 - 1949 và di sản văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp là chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp cũng được quan tâm, chú trọng thực hiện. Sở VHTTDL chỉ đạo Ban Quản lý KDT Gò Tháp phối hợp đơn vị liên quan xuất bản 1.900 bản ấn phẩm sách “Gò Tháp - Di tích Quốc gia đặc biệt”, làm phim tư liệu giới thiệu di tích và du lịch Gò Tháp. Thường xuyên phối hợp Ban Hội hương Gò Tháp, chùa Tháp Linh và Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười tổ chức tốt các kỳ lễ hội truyền thống, các ngày lễ, Tết. Nhờ đó, mỗi năm, KDT Gò Tháp đón từ 800 - 900 ngàn lượt khách tham quan, hành hương, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người và du lịch Đồng Tháp đến với cả nước và quốc tế.

Theo Sở VHTTDL, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp tại Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 3/11/2021. Sở VHTTDL đang phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai công tác lập Quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Từ đó, tạo sự phong phú, đa dạng để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, hướng đến mục tiêu đưa KDT Gò Tháp đạt danh hiệu “Di sản văn hóa Thế giới” trong thời gian tới.

P.L

Nguồn: Báo Đồng Tháp - baodongthap.vn - Đăng ngày 05/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT