Non nước Việt Nam

Muôn sắc văn hóa, văn nghệ mừng đón 2023

Cập nhật: 05/01/2023 08:34:14
Số lần đọc: 529
Chào đón những khoảnh khắc giao thời sắp đến, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch… mừng xuân phong phú và đặc sắc trên cả nước như tiếng ca đồng lòng, gửi gắm vô vàn niềm tin vào một năm mới khởi sắc.  


Hoạt động đón năm mới sẽ được tổ chức tại khu vực phố cổ Hà Nội. Ảnh: Khiếu Minh

Đa dạng, quy mô và đặc sắc

Có thể nói, dịp cuối năm chính là “quãng nghỉ” cần thiết để người dân cả nước nhìn lại chặng đường đầy khó khăn và nhiều nỗ lực vừa qua. Dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tốt lành cho mỗi người, mỗi nhà tìm nhen nhóm sự lạc quan, động lực và niềm tin từ nơi gia đình, cộng đồng và đất nước. Khi ấy, văn hóa, văn nghệ và các hoạt động du lịch luôn là cách phù hợp nhất để bắt đầu một chặng đường mới. Bởi vậy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và du lịch trên khắp cả nước đang và sẽ diễn ra, được đông đảo người dân đón chờ, hưởng ứng.

Ở Thủ đô Hà Nội, dịp nghỉ Tết dương lịch kéo dài ba ngày (từ 31/12/2022 đến 2/1/2023), tạo điều kiện cho nhiều hoạt động đón năm mới. Tiêu biểu như quanh Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám sẽ diễn ra chương trình đón năm mới countdown (đếm ngược); tại khu vực phố cổ sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2023”. Nếu như countdown là “làn gió” trẻ trung thì “Tết Việt - Tết Phố 2023” lại là cuốn hồi ức, giới thiệu không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội.

Không khí đón năm mới đã lan tỏa tới những vùng ngoại ô, nơi người dân miền xuôi có thể hòa mình vào không khí phiên chợ ngày Tết nơi miền ngược của các dân tộc thiểu số ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc. Anh Nguyễn Phúc Thiện (26 tuổi), sống tại phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Theo học cao học chuyên ngành Văn hóa học nên những hoạt động đầy bản sắc như thế này vào kỳ nghỉ cuối năm đặc biệt cuốn hút tôi. Phải nói rằng so hai năm trước “im ắng” vì dịch Covid-19 thì rõ ràng năm nay có không khí hơn hẳn, cảm giác mọi người cũng háo hức chờ Tết hơn”.

Trong khi đó tại cố đô Huế, chương trình nghệ thuật countdown - chào đón năm mới 2023 tổ chức tại ngã 6 đường Hùng Vương dự kiến thu hút khoảng 8-12 nghìn khán giả. Chương trình có phần một là đại nhạc hội với chủ đề “Tự hào Festival Huế”, phần hai là chương trình chào đón năm mới với nhiều ca sĩ nổi tiếng như Trọng Hiếu, BigDaddy, Emily... Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới, Huế định hướng xây dựng thành chương trình nghệ thuật thường niên trong chuỗi các sự kiện với mục tiêu xây dựng Huế là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”.

TP Hồ Chí Minh là một trong những nơi hứng chịu những mất mát nặng nề nhất vì dịch Covid-19. Cũng chính tại nơi đây, sự hồi phục đã trở thành cảm hứng cho cả nước. Niềm tin và sự đồng lòng của người dân thành phố mang tên Bác chính là cội nguồn cho sự trở lại thần tốc đó. Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố, nguồn kinh phí tổ chức chương trình đếm ngược và bắn pháo hoa chào đón năm mới 2023 được vận động nhiều từ nguồn xã hội hóa. Người Sài thành năm nay chào đón năm mới với các chương trình văn hóa nghệ thuật countdown vào đêm 31/12 tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur). Sau chương trình đếm ngược là bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao 15 phút tại đầu đường hầm sông Sài Gòn và bắn tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11).

Khúc ca của niềm tin và gắn kết

Đưa Việt Nam vượt qua đại dịch và ổn định trước những khủng hoảng, có những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Do đó, các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân năm nay hứa hẹn để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Đến với Nghệ An, dịp Tết Nguyên đán sẽ có các cuộc trưng bày triển lãm ảnh chuyên đề mừng Đảng, mừng Xuân tại các bảo tàng, thư viện, Quảng trường Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Khu di tích Kim Liên... Hay như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tổ chức chương trình “Dấu ấn 2022” - chủ đề “Sức sống bình thường mới”, từ 20 đến 22 giờ 30 phút, ngày 21/1/2023 tại Quảng trường công viên thành phố Bà Rịa. Chương trình truyền tải những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, sự thích ứng linh hoạt trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống; lan tỏa tinh thần gắn kết của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp - nhà đầu tư để chung sức xây dựng địa phương trong năm mới.

Dù ở vùng nào và chương trình đa dạng ra sao thì bên cạnh nét tươi vui còn có những điểm nhấn đặc biệt. Các chương trình hướng tới sự lạc quan và niềm tin vào sức mạnh của dân tộc. Bên cạnh các chương trình hiện đại, có sự dày đặc hơn của những hoạt động truyền thống, khơi gợi tinh thần hướng về cội nguồn và gia đình, dân tộc. Đơn cử như tại khu phố cổ Hà Nội, với chương trình giới thiệu các sản phẩm làng nghề phục vụ Tết truyền thống tại không gian bích họa phố Phùng Hưng từ ngày 6/1 đến hết ngày 20/1/2023. Hoặc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tái hiện lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên; lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao, tỉnh Bắc Kạn, trình diễn dân gian nghệ thuật múa khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc H’Mông tỉnh Bắc Kạn…

Hoạt động đón Tết sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Minh Lê

Từ khởi sắc đến hứa hẹn thăng hoa

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so năm trước. Đó là con số minh chứng rõ ràng nhất cho sự trở lại của du lịch Việt Nam, đưa nước ta trở thành hình mẫu phục hồi nhanh chóng hàng đầu trước mắt bạn bè thế giới. Bởi vậy so những năm trước, các chương trình Tết dương lịch 2023 và đặc biệt là đón xuân Quý Mão được coi là cơ hội đặc sắc đánh dấu sự trở lại của Việt Nam - hình ảnh về điểm đến an toàn với thế giới.

Ý thức được tầm quan trọng đó, các hoạt động văn hóa, du lịch đón xuân đang được nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch đẩy mạnh, đầu tư kỹ lưỡng. Tại Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật truyền thống “Con đường di sản” do Sở Văn hóa, Thể thao phối hợp Sở Du lịch và Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng tổ chức. Từ 23 giờ đến 23 giờ 30 phút, định kỳ hai lần/tuần vào thứ 5 và thứ 7 cho đến Tết, chương trình sẽ quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng vùng miền của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa Chăm… đến với du khách.

Tự tin với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 615 nghìn và nhất là kỳ vọng trở thành điểm đến bốn mùa. Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định: “2023 và nhiều năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị; tiếp theo là phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ngành cũng đẩy mạnh kích cầu, xúc tiến, quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở cũng như phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao”.

Trong những ngày này, có nhiều khí thế, truyền thống, tâm niệm được khơi dậy, nuôi giữ và nhen nhóm. Để đông đảo người dân có thể cảm nhận rằng, dù là thời chiến hay thời bình, dù là chiến tranh hay dịch bệnh, khủng hoảng, không gì có thể khiến con người Việt Nam khuất phục. Di sản truyền thống ngàn đời của cha ông, tinh thần lạc quan phi thường trước chông gai thời cuộc, hay giản dị là giây phút quây quần cùng gia đình chào năm mới, đón Giao thừa…, những giá trị đó được khởi lên từ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch, sẽ là hành trang vững chắc, sẽ thêm những sắc màu tươi sáng cho đất nước, con người Việt Nam vững vàng và lạc quan bước sang thời kỳ mới.

Vũ Anh, Đoàn Sơn, Ninh Nguyễn, Hoàng Tuyết

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 03/01/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT