Đa dạng hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp Tết
Sôi động ở không gian Quảng trường 2-4
Từ ngày 11 đến 27-1 (tức từ ngày 20 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), tại Quảng trường 2-4, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ luân phiên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả. Vào đêm giao thừa, chương trình nghệ thuật chào năm mới do 2 đơn vị phối hợp thực hiện bắt đầu từ lúc 21 giờ 30 phút hứa hẹn sẽ đem đến cho công chúng một đêm nhạc sôi động, trẻ trung, hấp dẫn. “Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn vào đêm giao thừa, chúng tôi đã dàn dựng chương trình ca múa nhạc gồm 16 tiết mục mang chủ đề về mùa xuân, tuổi trẻ. Bên cạnh những ca khúc quen thuộc được dàn dựng lại, chương trình cũng có những tiết mục đang được các bạn trẻ yêu thích. Tối mùng 3 Tết, chúng tôi tiếp tục thực hiện chương trình ca nhạc để phục vụ khán giả”, ông Trần Đức Hà - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết.
Tết cổ truyền năm nay, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tổ chức chương trình Nồi bánh yêu thương.
Tối mùng 1 Tết, không gian Quảng trường 2-4 lại sôi động với chương trình biểu diễn lân - sư - rồng. Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã cùng những màn trình diễn đẹp mắt của các đội lân trong tỉnh quy tụ về đây sẽ góp phần mang đến không khí rộn ràng cho mọi người. Trong các tối mùng 2, mùng 4 và mùng 6 Tết, những khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống sẽ được xem các vở diễn: Minh thề, Trịnh Phong, Sương phủ hoàng cung do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện. Đây đều là những vở diễn được nhà hát dàn dựng trong thời gian gần đây và nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.
Ngoài khu vực Quảng trường 2-4, các không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời khác như: tiền sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh (số 46 Trần Phú), sân khấu đối diện đường Tuệ Tĩnh cũng sẽ diễn ra các đêm nhạc do những câu lạc bộ nghệ thuật trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng tổ chức biểu diễn tại di tích Tháp Bà Ponagar, sân khấu đối diện đường Tuệ Tĩnh.
Nhiều điểm đến văn hóa
Trong những ngày du xuân đón Tết, người dân có thêm những lựa chọn với các điểm sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa. Tại không gian Bảo tàng tỉnh, từ ngày 11-1 sẽ diễn ra các hoạt động như: Trưng bày giới thiệu bộ sưu tập độc đáo về các loài ốc ở vùng biển Khánh Hòa; triển lãm ảnh Đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN; hoạt động trò chơi dân gian; thực hiện chương trình Áo dài du xuân dành cho mẹ và con; chương trình Nồi bánh yêu thương. Ở không gian công viên bờ biển bên cạnh Tháp Trầm Hương, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện triển lãm ảnh Nét xuân xứ Trầm, bắt đầu từ ngày 16-1. Trung tâm còn thực hiện gian hàng Tết, trưng bày các sản phẩm, hiện vật đặc trưng của Khánh Hòa ở khu vực công viên bờ biển đối diện khách sạn Novotel Nha Trang. Gần với khu vực gian hàng Tết, không gian hội chơi bài chòi xuân cũng là một địa điểm để người dân và du khách có thể đến chơi, tìm hiểu về di sản văn hóa này.
Dịp Tết cổ truyền năm nay, Thư viện tỉnh tiếp tục được chọn để tổ chức Hội báo xuân 2023, sẽ khai mạc vào ngày 12-1. Đơn vị còn phối hợp tổ chức ngày hội Trang sách hồng dành cho thiếu nhi. Tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động như: Biểu diễn nhạc cụ dân tộc; giới thiệu nghệ thuật thư pháp và tặng chữ đầu năm; trình diễn làm gốm, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm; biểu diễn ca múa nhạc dân gian truyền thống dân tộc Chăm…
Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật năm nay có sự phong phú, đa dạng về nội dung, sáng tạo, hấp dẫn về hình thức, hy vọng sẽ đem lại những khoảng thời gian ý nghĩa cho người dân và du khách trong những ngày đầu năm.
Giang Đình