Nguồn gốc của lễ hội Khai hạ ở Mường Bi (Hòa Bình)
Lễ rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà trong lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc).
Từ nhiều đời nay, người Mường Bi lưu truyền truyền thuyết kể lại rằng: Vua Bà đi từ núi Tản sông Đà đến cầu bến Mảng (suối Mảng, thuộc xã Phong Phú) gặp lũ to, Vua Bà giả trang thành kẻ nghèo đói, rách rưới. Lúc đó trên cánh đồng có hai gia đình đang bừa ruộng. Vua Bà đến thử lòng một gia đình đang bừa bằng 1 con trâu. Bà nhờ người này đưa qua con suối, người này trả lời bận quá không đưa được. Vua Bà lại sang ruộng nhà bên đang bừa bằng 8 con trâu nhờ đưa qua suối, dứt lời nhà này cử người đưa Bà sang luôn. Khi qua suối xong, Bà truyền một câu: "Từ nay nhà ta, giàu thêm có thặm đấy". Nghĩa là: Từ nay nhà giàu có, rồi lại càng giàu có thêm. Thế là từ đó, nhà này luôn giàu có hơn các gia đình khác, ăn nên làm ra, cầu gì được nấy.
Vua Bà tiếp tục đi đến xóm Khung, xã Địch Giáo cũ (nay là xã Phong Phú). Bà ghé vào một nhà trong xóm, gia đình chủ nhà tiếp đón Bà rất tử tế, chu đáo. Thấy vậy, Bà thưởng cho nhà đó một thửa ruộng gọi là nà Mằn (ruộng Mằn), cấy trồng 2 vụ lúa tốt bời bời, không năm nào đói. Vua Bà đi tiếp đến một nhà cùng xã, nhà này không có con. Bà hỏi có muốn có con không Bà cho một đứa. Nhà này rất mừng và Bà ban cho 1 đứa con trai, sau đặt tên là Ngãi. Một năm sau, Bà về thăm mang theo một túi vàng. Bà thử lòng treo túi vàng ngoài cổng và đi vào nhà. Bà vợ ông Ngãi có lòng tham giấu mất túi vàng. Sau Bà không cho con nữa và lấy mất thằng Ngãi, thằng Ngãi bị chết. Từ đó dân trong vùng có câu "tham vàng bỏ Ngãi... ".
Trước sự linh ứng của Vua Bà, ông lang Cun Pi đã lập miếu thờ Bà và tôn Bà làm Thành Hoàng của làng. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày mùng 7 và mùng 8 tháng giêng (tức ngày 6, 7 tháng tư theo lịch Mường Bi), Nhân dân trong vùng Mường Bi mang lễ vật đến thắp hương cho Bà, cầu mong Bà phù hộ cho dân làng an cư lập nghiệp, mưa thuận gió hoà, tránh khỏi mọi thú dữ, thiên tai, dịch bệnh, đất nước thanh bình.
Để tưởng nhớ công ơn của Bà, sau này nhà lang và dân làng lập miếu thờ Bà. Xưa kia, nhà lang cho phép mỗi làng được lập 1 miếu thờ Bà, sau này các miếu đó không còn nữa, hiện nay cả vùng Mường Bi chỉ có 1 miếu thờ chung tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú. Lễ cúng Bà được tổ chức vào ngày 7 - 8 tháng giêng âm lịch, lúa gạo được gặt từ nà Mằn. Sau ngày mùng 8, Nhân dân trong vùng mới được cày cấy nên gọi là lễ khuống (xuống) mùa.
Về Tam vị Tản viên Sơn Thánh, theo sự tích vùng Ba Vì Sơn Tây, sông Tích Giang, các vùng Mường cổ ở Hòa Bình đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hoà Bình gọi là Thánh Đản). Các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đều phong mỹ tự gọi là "Thượng Đẳng Phúc Thần". Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở vùng Mường Bi đã thờ vọng Thánh Đản tại ngôi miếu của mình.
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Lễ hội Khai hạ Mường Bi là một nét văn hóa, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người dân Tân Lạc nói chung và vùng Mường Bi nói riêng. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Đây cũng là dịp để đồng bào Mường Bi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút du khách muôn phương về vui hội, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Mường.
Việt Lâm