Chùa Phùng Khoang
Nằm ngay sát cổng làng Phùng Khoang, quay mặt theo hướng đông nam, ngôi chùa được bao bọc bởi khuôn viên rộng 5.880m2 và vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống độc đáo với tam quan gác chuông, tòa tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và tăng phòng.
Phía trước chùa là một sân rộng và hồ nước bán nguyệt trong xanh, có cầu dẫn ra tòa thủy đình trên hồ với pho tượng Quan thế âm Bồ Tát đứng bên trong.
Tiếp đến là tam quan gác chuông được xây hai tầng đơn giản nhưng có quy mô khá bề thế. Tầng một là nơi Phật tử, du khách thập phương sắp lễ. Ở phía bên phải cạnh chân cầu thang có tấm bia hậu Phật cao 0,9m, rộng 0,6m, dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692) có ghi tên cũ của làng là làng Phùng Quang, thuộc xã Nhân Mục Môn. Tầng hai là gác chuông, có một quả chuông đồng lớn, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813).
Qua tam quan gác chuông là một khoảng sân dẫn đến bậc thềm tòa tam bảo năm gian, có kết cấu kiểu chữ “đinh”. Các thức gỗ, vì kèo được bào trơn đóng bén. Gian giữa tòa tam bảo lắp cửa gỗ, chạm khắc hoa lá, hai gian bên lắp cửa bức bàn. Phần thượng điện ba gian có hai bộ cửa võng chạm trổ họa tiết tinh xảo. Nối liền tòa đại đình và hậu cung là nhà cầu với năm bức nghi môn, dưới là hệ thống hoành phi, câu đối được tạo tác theo phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX. Nằm cạnh tòa tam bảo là nhà Tổ - nơi thờ ba vị sư tổ của chùa. Nhà hậu, nhà Mẫu được xây dựng muộn hơn.
Chùa Phùng Khoang hiện còn lưu giữ 6 tấm bia đá và 3 chuông đồng lớn niên hiệu Gia Long 12 (1813), Tự Đức 31 (1878), Tự Đức 34 (1881). Tại tòa tam bảo có tấm bia “Trùng tu Thanh Xuân tự bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 31 (1878) và một tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) do Phó bảng Đỗ Huy Điền, người làng Tây Mỗ viết văn bia. Ngoài ra, trong chùa còn có các cổ vật giá trị khác như: 29 câu đối, 23 hoành phi gỗ, 4 cuốn thư, 24 pho tượng Phật, Tổ, Mẫu và 1 pho tượng công chúa Ngọc Nga.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Phùng Khoang đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1991.
Quỳnh Ngọc