Cộng đồng doanh nghiệp du lịch tỉnh Bến Tre: Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng
Điểm du lịch Lan Vương với nhiều trò chơi dân gian thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Tổng thu hơn 19% so với cùng kỳ
Tổng lượng khách đạt 1.285.563 lượt, tăng 18,2% so với cùng kỳ, đạt 52,4% so với kế hoạch (trong đó khách quốc tế đạt 245,976 lượt, tăng 21% so với cùng kỳ). Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.594 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Bá Sanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tập trung nhiều hoạt động đầy trách nhiệm, hướng tới cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch và ngành du lịch tỉnh. Thường xuyên trao đổi thông tin, định hướng hoạt động của hiệp hội. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được tổ chức gắn liền với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Bến Tre.
Ngành du lịch và cộng đồng DN du lịch tỉnh nhà trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều hoạt động nổi bật. Tích cực tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và dự thảo quyết định của UBND tỉnh về quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh. Triển khai các nội dung trong chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh, thành. Tổ chức khảo sát các dự án mời gọi đầu tư du lịch trên địa bàn các huyện Ba Tri, Bình Đại và Chợ Lách. Tổ chức đoàn công tác tham gia dự án “Phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ” tại Thái Lan.
Triển khai tốt chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024; tổ chức thành công “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành” và Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” gắn với hoạt động lễ hội sông nước TP. Hồ Chí Minh.
Tích cực truyền thông quảng bá du lịch tỉnh, với chủ đề “Bay xa hương vị quê dừa”, thông qua các hoạt động như: Cuộc thi Ảnh đẹp “Nụ cười Bến Tre”, phát động 2 cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu du lịch tỉnh và cuộc thi ảnh đẹp du lịch Bến Tre năm 2024; xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số lĩnh vực du lịch…
Riêng Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nổi bật, tạo mối liên kết với nhiều địa phương. Đặc biệt, phối hợp tổ chức Tuần lễ Văn hóa Du lịch huyện Châu Thành lần 2 năm 2024 đạt được kết quả tốt. Nhiều hoạt động của các hội viên trong hiệp hội hướng đến chủ đề giảm phát thải cho DN (Zero tour), tham gia đề xuất nhiều vấn đề có liên quan về chính sách cho ngành du lịch, định hướng phát triển du lịch vùng và của tỉnh. Tổ chức nhiều chương trình từ thiện xã hội, giúp đỡ đồng bào còn khó khăn.
Hiệp hội tích cực tham gia đóng góp xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 và dự thảo quyết định của UBND tỉnh về quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Trần Bá Sanh, hiệp hội thường xuyên phối hợp, vận động các đơn vị cùng tham gia các sự kiện về du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh để tạo mối liên kết với các tỉnh, thành, gồm: Trà Vinh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ…
Tạo bứt phá, bền vững
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đề ra nhiệm vụ sẽ tập trung các hoạt động tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh như: Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh; chương trình “Kết nối sản phẩm - Phát triển hành trình” tại Tiền Giang trong chương trình hợp tác TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL. Tham dự hội nghị tổng kết năm 2024 và kế hoạch triển khai hợp tác TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL 2025 tại Long An, với chủ đề “Phát triển liên kết - nâng tầm khu vực”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung cho rằng, hướng tới, du lịch tỉnh vẫn cần có sự bứt phá, với những sản phẩm riêng biệt, có sự đầu tư theo chiều sâu, các sản phẩm du lịch phải có giá trị cao, mang tính hấp dẫn, nhằm níu giữ chân du khách. Cụ thể, cần tạo sự thống nhất chung là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu 6 tháng cuối năm 2024, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng; tổng lượng khách ước đạt hơn 1,1 triệu lượt.
“Ngành du lịch nói chung, Hiệp hội Du lịch tỉnh phải tập trung tận dụng, tiềm năng, thời cơ đó để phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh sau khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành. Tôi cho rằng 5 năm tới, kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ thay đổi lớn nếu chúng ta không để thời cơ ấy trôi qua. Muốn vậy, từ người lãnh đạo đến DN phải hết sức năng động, suy nghĩ tìm cách bứt phá...”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung đặt niềm tin và kỳ vọng.
Đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng: Mỗi năm đón được ít nhất 2,3 - 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 45 - 50%. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đến tỉnh từ 12 - 15%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.300 - 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 22 - 25%/năm. Phấn đấu đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 8% trở lên.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc