Hoạt động của ngành

Huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 06/08/2024 08:50:41
Số lần đọc: 352
Những năm qua, huyện Ba Bể đã thực hiện nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Khu du lịch Ba Bể, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế của Huyện, hướng tới xây dựng Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.


Tập trung đầu tư hạ tầng và quảng bá du lịch

Thực hiện Đề án Phát triển du lịch đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Ba Bể đã đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; quy hoạch các khu, điểm du lịch. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình du lịch, như: Đầu tư cải tạo mặt bằng, xây dựng một số điểm ngắm cảnh, bảng biển danh thắng tại các khu vực Ao Tiên, đảo Bà Góa, thác Đầu Đẳng, động Hua Mạ, động Puông, thác Tát Mạ; vận động người dân thay thế phao lưới bằng chai nhựa sang phao tre,……

Bản Pác Ngòi bên bờ Hồ Ba Bể

Huyện cũng định hướng xây dựng các tuyến tham quan cố định để thuận tiện trong việc tư vấn, giới thiệu cho du khách; nghiên cứu, bố trí các điểm check - in trên hồ Ba Bể để tạo điểm nhấn, phục vụ du khách đến chụp ảnh, ghi hình, góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác quảng bá du lịch. Bố trí thêm các điểm vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu của du khách; triển khai nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm các trò chơi, các hoạt động, như: Đạp vịt trên hồ, bóng bay khí, bắt cá bằng dụng cụ thủ công, văn nghệ phục vụ tại bãi hội, chụp ảnh trên thuyền mảng, thuyền độc mộc. Đồng thời, triển khai nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí xây dựng đường đi bộ lên động Nả Phoòng, khuyến khích người dân mở các dịch vụ homestay, để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, Huyện phối hợp với Viettel Bắc Kạn tổ chức hội nghị giới thiệu giải pháp phát triển du lịch thông minh với các nội dung: Giới thiệu tổng quan về du lịch thông minh; số hoá tài nguyên văn hoá, du lịch huyện Ba Bể; Hệ sinh thái du lịch thông minh huyện Ba Bể và giới thiệu một số sản phẩm du lịch thông minh (Cổng du lịch thông minh, App du lịch thông minh...) nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận và lựa chọn các dịch vụ phù hợp với nhu cầu khi muốn đến du lịch tại Ba Bể. Song song với đó, Huyện tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đưa tin, bài, phóng sự giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Ba Bể; tổ chức các sự kiện như: Xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm, Sắc thu hồ Ba Bể, Lễ hội Lồng tồng …để thu hút khách du lịch.

Cảnh đẹp hồ Ba Bể hút hồn du khách

Đặc biệt, Huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện dự án về giao thông như: Đầu tư xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang( Tuyên Quang); tuyến Quảng Khê  - Khang Ninh; cải tạo nâng cấp tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể để nâng cao khả năng kết nối giao thông, hình thành các tuyến du lịch liên vùng, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch hồ Ba Bể.

Phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch

Cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng và quảng bá du lịch, thời gian qua, huyện Ba Bể luôn ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch. Huyện đã thực hiện quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung quy mô lớn như cây ăn quả, cây chè, vùng sản xuất lúa chất lượng cao: Hồng không hạt ở các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ; vùng chăn nuôi trâu, bò tại xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Thượng Giáo, Cao Thượng, Nam Mẫu, Đồng Phúc; vùng chăn nuôi lợn tại các xã Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo; vùng nuôi thủy sản trên sông Năng, hồ Ba Bể và các xã Thượng Giáo, Khang Ninh, Nam Mẫu, thị trấn Chợ Rã,...

Khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực tại Khu du lịch Ba Bể

Bên cạnh đó, huyện Ba Bể chỉ đạo thực hiện các mô hình phát triển nông lâm nghiệp gắn với du lịch như: Mô hình sản xuất bí xanh thơm, lúa Nếp Tài, nuôi cá tầm gắn với du lịch trải nghiệm rừng trúc và thác Pù Lầu tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương; Mô hình sản xuất chè trung du gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Mỹ Phương và mô hình trồng hồng không hạt, lúa ruộng bậc thang gắn với du lịch trải nghiệm tại khu vực cánh đồng Nà Mặn, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê…

Để nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm nông sản chất lượng giới thiệu cho khách du lịch, huyện Ba Bể đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, Huyện đã có 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Một số sản phẩm tiêu biểu đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh, tạo được chỗ đứng trên thị trường như: Bí xanh thơm, trà bí xanh, thịt trâu khô, miến dong, trà giảo cổ lam, chuối sấy dẻo, lạp sườn gác bếp, khẩu mẩy vùng cao, rượu suối nguồn Nà Hai, gạo Nếp Tài… Trong đó, nhiều sản phẩm là những sản phẩm đặc hữu của địa phương mà du khách có thể mua về làm quà khi đến du lịch tại Ba Bể. Ngoài ra, Huyện đã xây dựng 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản của địa phương tại thị trấn Chợ Rã và xã Nam Mẫu để quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể

Đặc biệt, với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch, Huyện Ba Bể đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm du lịch gắn kết giữa môi trường thiên nhiên với văn hóa bản địa. Trên địa bàn Huyện hiện đang có 02 sản phẩm OCOP về du lịch được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 đó là Quỳnh Mai homestay, thôn Bó Lù và Ba Bể Green Homestay Đổng Hoán, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Cũng tại khu vực xã Nam Mẫu hiện có khoảng gần 60 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ du lịch nhà sàn homestay phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm danh lam thắng cảnh, văn hóa và thưởng thức ẩm thực địa phương. Nhiều gia đình còn đầu tư xuồng để chở khách tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Ba Bể, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực với đồng bào dân tộc trong vùng.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với hồ Ba Bể tiếp tục tăng cao, năm 2023 đạt trên 95 nghìn lượt khách, trong đó số khách quốc tế đạt trên 5 nghìn lượt. Huyện Ba Bể đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch trở lên, trong đó 80% khách nội địa và 20% khách quốc tế. Kinh tế du lịch đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Ba Bể, các hoạt động du lịch đang góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 981 ngày 6/6/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đề án được xây dựng trên cơ sở khoa học và có tính thực tiễn cao, có định hướng, kế hoạch phát triển rõ ràng và cụ thể. Việc xây dựng và phê duyệt Đề án thể hiện quyết tâm của tỉnh Bắc Kạn trong việc phát triển Khu du lịch Ba Bể xứng tầm với tiềm năng vốn có, từ đó góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa và môi trường./.

Thành Nam

Nguồn: TC Con số và Sự kiện - consosukien.vn - Đăng ngày 05/8/2024

Cùng chuyên mục