Hoạt động của ngành

Nâng tầm lễ hội tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cập nhật: 06/08/2024 09:04:16
Số lần đọc: 387
Không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm về văn hóa với nhiều lễ hội, sự kiện sôi nổi được tổ chức hằng năm. Nhiều lễ hội truyền thống được duy trì với quy mô, chất lượng ngày càng nâng lên.


Trình diễn áo dài truyền thống tại Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội mới được tổ chức trong những năm gần đây đã đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách và người dân thành phố trong xu hướng phát triển hội nhập hiện nay, qua đó góp phần mang lại màu sắc tươi mới cho hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố mang tên Bác.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ đà phát triển khá trong 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh những con số tích cực về tăng trưởng kinh tế, các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi động, đa dạng, phong phú với nhiều lễ hội, sự kiện ấn tượng, đặc sắc, từ đó nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Đa dạng lễ hội truyền thống, hiện đại

Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua được xem là một trong những lễ hội ấn tượng nhất của thành phố từ đầu năm đến nay.

Sau 10 ngày tổ chức với gần 20 chương trình hoạt động, Lễ hội Sông nước đã để lại trong mỗi người dân thành phố, du khách những cảm xúc khó quên. Những hoạt động thú vị như chương trình nghệ thuật khai mạc “Chuyến tàu huyền thoại”, Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, Không gian tái hiện chợ nổi miền Tây, Tuần lễ trái cây trên bến dưới thuyền, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Giải vô địch bơi vượt sông mở rộng, trình diễn các hoạt động thể thao trên sông, trải nghiệm các trò chơi dân gian... đã mang đến không gian mới lạ, đầy sức sống ngay tại trung tâm thành phố.

Đặc biệt, trong chương trình bế mạc với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Lung linh dòng sông hát”, hơn 1.000 thiết bị bay không người lái đã vẽ lên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh những bức tranh nhiều sắc màu và đầy ý nghĩa hòa cùng không khí sôi động của các hoạt động thể thao dưới nước và diễu hành tàu trên sông Sài Gòn như một lời chào tạm biệt và tri ân của lễ hội. Năm 2024, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, nhiều hoạt động hơn, mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho du khách và người dân thành phố.

Tương tự như Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng là lễ hội tiêu biểu trong những năm gần đây. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô là cơ hội để khán giả thành phố nói riêng và cả nước nói chung cảm thụ, học hỏi, tiếp cận với những nghệ sĩ, những không gian âm nhạc phong phú, hấp dẫn, hiện đại. Thông qua lễ hội này, thành phố muốn lấy âm nhạc làm đại sứ kết nối văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với thế giới.

Bên cạnh những lễ hội mới được tổ chức nhằm đáp ứng xu hướng phát triển, nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu của thành phố mang tên Bác vẫn được tổ chức thường xuyên và ngày càng nâng cao về chất lượng, lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ bắt đầu từ năm 1913, đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.

Lễ hội Nghinh Ông tổ chức vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hằng năm, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn các vị thần biển của người dân Cần Giờ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, ước nguyện sự bình an khi ra biển và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm. Lễ hội Nghinh Ông còn là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với kỳ vọng bội thu, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng ngư dân nơi đây.

Đối với nghệ nhân làm diều Nguyễn Thanh Vân, dường như không năm nào gia đình ông vắng mặt tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Hoạt động thả diều nghệ thuật từ lâu đã trở thành hoạt động tiêu biểu tại lễ hội dân gian này. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân cho biết thêm, mỗi năm lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, du khách từ phương xa đến với lễ hội cũng đông hơn rất nhiều.

Tập trung nâng chất lễ hội, sự kiện văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư nâng cấp các công trình, thiết chế văn hóa; tạo ra nhiều phong trào, thực hiện nhiều cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, văn minh. Trong đó, lễ hội là hoạt động được thành phố quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện. Những năm qua, các lễ hội trên địa bàn thành phố ngày càng được người dân, du khách quan tâm đặc biệt. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức mang lại sức sống mới cho thành phố.

Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức gần đây cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo du khách, người dân, có thể kể đến Lễ hội bánh mì, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh... Những lễ hội, sự kiện này không chỉ mang lại sự tươi mới, bổ ích cho đời sống văn hóa tinh thần người dân và du khách, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, thời gian vừa qua, lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao vẫn còn một số hạn chế, bất cập như xu hướng đơn điệu hóa, thương mại hóa ngày càng gia tăng, chưa truyền tải các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dân,... cho nên cần phải có sự quản lý, chấn chỉnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm là đa dạng về văn hóa, sẵn sàng tiếp nhận cái mới trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc riêng.

Chính vì thế, việc tổ chức lễ hội, các sự kiện văn hóa phải thể hiện được bản sắc riêng của thành phố, không để trùng lắp với các địa phương khác. “Thành phố có hệ thống di sản dọc sông Sài Gòn và các con kênh chính chảy trong lòng thành phố rất có giá trị. Nếu phát huy được lợi thế này thì thành phố sẽ có những lễ hội sông nước đặc trưng, kết nối được những giá trị truyền thống với hiện đại”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã phê duyệt Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2020-2030”. Thông qua các hoạt động tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn, ngày truyền thống, ngày thành lập, lễ hội, sự kiện góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; góp phần bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thông qua thực hiện đề án, thành phố sẽ khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với quảng bá, giới thiệu các tiềm năng văn hóa, thể dục thể thao và hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năng động, mến khách, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực.

Từ đề án này, thành phố sẽ hình thành các sự kiện lớn mang thương hiệu đặc trưng của thành phố và hình thành thương hiệu quốc gia như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Liên hoan Phim quốc tế, Lễ hội Áo dài, Liên hoan Ẩm thực quốc tế..., cùng các sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật truyền thống, dân gian, làng nghề; lễ hội nghệ thuật đường phố... Qua đó, thành phố từng bước nâng tầm hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, tương xứng với vị thế một trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ của cả nước.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 31 khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, các ban, ngành, đơn vị cần quan tâm đúng mức hiện thực hóa chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế cả hình thức lẫn nội dung, vật thể và phi vật thể; Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với chỉnh trang đô thị, các không gian, công trình văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Thành phố phải triển khai mạnh mẽ đề án phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu, sản phẩm văn hóa đặc trưng. Sự vào cuộc mạnh mẽ ấy sẽ góp phần cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về công tác tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao ngang tầm và đồng bộ với mục tiêu sự phát triển toàn diện của thành phố.

Bài và ảnh: Võ Mạnh Hảo

Nguồn: Báo Nhân Dân - nhandan.vn - Đăng ngày 04/08/2024

Cùng chuyên mục