Sơn La: Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Du khách nghe giới thiệu về các sản phẩm nông sản tại Mộc Châu.
Kết luận 94-KL/TU ngày 23/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển nguồn nhân lực. Đó là “Tăng cường công tác phát triển và đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng. Mở rộng liên kết vùng, ưu tiên liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo lớn có uy tín trong nước để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao”. Với định hướng đó, những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các địa phương chú trọng triển khai với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hình thức đa dạng.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, cho biết: Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể về phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, tập trung phát triển cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo nhân lực lao động lành nghề tại các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch.
Năm 2023, ngành VHTTDL và các huyện, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, quản lý di tích, chuyển đổi số lĩnh vực du lịch cho hàng trăm lượt lao động; đào tạo chuyên ngành du lịch cho hơn 150 học viên hệ cao đẳng và trung cấp tại Trường Cao đẳng Sơn La. Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, từ năm 2023 đến nay, Sở VHTTDL đã phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa, 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo tồn văn hóa, 1 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch cho gần 1.000 lượt học viên. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.500 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch; trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 60%.
Thuyết minh viên tại Bảo tàng tỉnh thực hành giới thiệu phòng trưng bày khảo cổ.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Hiện nay, huyện có gần 2.900 lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Hằng năm, huyện đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng với nội dung tập huấn đa dạng, đáp ứng đúng với nhu cầu thực tế. Trong đó, tập trung tập huấn về nghiệp vụ bếp, buồng phòng, kỹ năng giao tiếp, thuyết minh viên, tiếng Anh cộng đồng, marketing, quản lý điểm đến, kỹ năng tổ chức biểu diễn, bảo vệ môi trường... Đến nay, có khoảng 40% số lao động có bằng trung cấp các ngành trở lên; gần 20% số lao động có chứng nhận nghiệp vụ du lịch, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách.
Việc bồi dưỡng các hướng dẫn viên du lịch theo hướng chuyên nghiệp cũng được quan tâm. Thông qua các cuộc thi, các lớp tập huấn kỹ năng thuyết minh, đã giúp bồi dưỡng những hướng dẫn viên du lịch có trình độ, trở thành “sứ giả” quảng bá hình ảnh du lịch Sơn La. Hiện tại, đã có 19 hướng dẫn viên du lịch của tỉnh được cấp thẻ hoạt động; ngoài ra, còn có các hướng dẫn viên du lịch tự do, kiêm nhiệm hoạt động theo nhóm, câu lạc bộ.
Tham gia cuộc thi hướng dẫn viên du lịch năm 2023, anh Lù A Nhè, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, thành viên Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch - văn hóa huyện Mộc Châu đã giành được giải nhất với màn thuyết minh giới thiệu về điểm du lịch cộng đồng bản Tà Số. Anh Lù A Nhè chia sẻ: Tham gia cuộc thi, chúng tôi có dịp được học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc trong thực tế. Các hoạt động này cũng giúp những người làm du lịch kết nối để giới thiệu các dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.
Cuộc thi hướng dẫn viên du lịch năm 2023.
Ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đảm bảo cả về lượng và chất là giải pháp quan trọng để du lịch Sơn La phát triển nhanh và bền vững.
Thanh Đào