Non nước Việt Nam

Đạ Huoai bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc bản địa

Cập nhật: 17/06/2020 10:35:27
Số lần đọc: 935
  Đạ Huoai là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 49.529 ha, dân số khoảng 33.998 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 7.487 người, chiếm 22%, (20% dân tộc gốc Tây Nguyên là Mạ và Cơho). Với nỗ lực của huyện, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc bản địa đã có những kết quả và bài học ý nghĩa. 

 


Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Đạ Huoai

Đồng bào gốc Tây Nguyên ở Đạ Huoai hiện sinh sống tại 8/10 xã, thị trấn, 22/61 thôn, tổ dân phố; trong đó, tập trung tại 3 xã: Phước Lộc, Đoàn Kết và Đạ P’loa. “Có thực mới vực được đạo”, trước hết là đời sống vật chất. Trong 4 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo (2016-2019) ở huyện, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đối với hộ nghèo DTTS là 2,80%; cùng đó, tỷ lệ giảm cận nghèo là 0,68%. Trong 3 xã tập trung dân tộc Mạ và Cơho, đặc biệt xã Phước Lộc, tuy dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao nhất huyện, tới 80%, nhưng cuối năm 2019 đã về đích nông thôn mới (NTM). Hai xã Đạ P’loa và Đoàn Kết cuối năm 2019 đã đạt 18/19 tiêu chí, phấu đấu đạt tiêu chí cuối vào năm 2020 để được công nhận chuẩn xã NTM. Đến nay, 100% xã, thị trấn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa và sân vận động đạt chuẩn; trên 95% có nhà sinh hoạt cộng đồng thôn; trên 99% hộ gia đình được xem truyền hình…

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đồng bào DTTS, trong đó văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng thực sự đạt kết quả phải có tính đồng lòng và quyết tâm từ các cấp ủy, chính quyền huyện đến cấp xã, thôn và đặc biệt là đồng bào DTTS. Lồng ghép bảo tồn, phát huy văn hóa với các phong trào khác như xây dựng NTM, phát triển dịch vụ du lịch, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa… Với chức năng của mình, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kiểm kê tổng thể di sản văn hóa cồng chiêng; thu âm, thu hình các bài chiêng, các làn điệu dân ca dân vũ của dân tộc Mạ và dân tộc Cơho; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu văn hóa cồng chiêng của địa phương huyện. Theo ông Nguyễn Quang Thể, chuyên viên chuyên trách của phòng này, đến nay, cả 8/8 xã, thị trấn của huyện có đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên gồm 5 xã Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ Ploa, Đạ Huoai, Mađaguôi, 2 thị trấn Mađaguôi và Đạm Ri đều được trang bị chiêng và một số nhạc cụ truyền thống. Tổng trị giá 8 bộ chiêng gần 120 triệu đồng; trong đó, ngân sách huyện 6 bộ và ngân sách từ tỉnh 2 bộ. Đạ Huoai đã tổ chức được 15 lớp miễn phí và hỗ trợ kinh phí đi lại để truyền dạy biểu diễn cồng chiêng với 324 thanh, thiếu niên DTTS tham gia. Thành lập một tổ hợp tác xã dệt thổ cẩm, xây dựng một phòng trưng bày sản phẩm thổ cẩm tại Khu Du lịch rừng Madagui. Tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kim, chỉ, khung dệt để bà con phát huy nghề dệt thổ cẩm… Trong 8 năm qua, 2 năm một lần, huyện tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng với nhiều nội dung phong phú. Đạ Huoai cũng phối hợp, tạo điều kiện cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn khai thác văn hóa truyền thống, cả vật thể và phi vật thể phục vụ du khách. Hoạt động đem lại nhiều ý nghĩa: đa dạng hóa sản phẩm du lịch, điểm nhấn hấp dẫn về du lịch; các nghệ nhân phát huy kỹ năng và quảng bá văn hóa; chủ nhân-đối tượng của văn hóa trực tiếp tham gia bảo tồn và phát huy, cùng đó gia tăng tự tin hội nhập... Đặc sản rượu cần, cơm lam, cá suối, rau rừng đã trở thành thương hiệu của địa phương Đạ Huoai hấp dẫn. Đến nay, huyện đã có 4 nhóm biểu diễn âm nhạc cồng chiêng thường xuyên phục vụ khách du lịch. 17/22 thôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS có đội cồng chiêng. Các bài chiêng, làn điệu dân ca, dân vũ, cách thức chế biến văn hóa ẩm thực, làm nhà dài, làm cây nêu, dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần… từng bước được lưu giữ và trao truyền lại cho thế hệ trẻ. 

Tuy nhiên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đạ Huoai cũng cho biết, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đồng bào DTTS còn những hạn chế, tồn tại đang tiếp tục phải khắc phục. Đó là một số người dân chưa chú trọng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; bộ phận theo tôn giáo cương quyết bài trừ văn hóa cồng chiêng; vẫn còn hiện tượng chia chiêng, chôn chiêng theo người mất. Việc đầu tư để bảo tồn tổng thể từ môi trường đến phong tục tập quán, nếp sinh hoạt còn khó khăn. Và cũng như tình trạng chung trên toàn tỉnh mà Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: Văn hóa truyền thống đồng bào gốc Tây Nguyên chưa thành “điểm đến” của du khách để tương xứng những giá trị nhân văn và đặc sắc như vốn có.

Phải “cần nhiều đến sự gắn kết, phát triển thành mô hình du lịch cộng đồng” như ông Nguyễn Quang Thể nói. Theo ông, ngành Văn hóa và Thông tin huyện đã xác định một số giải pháp cụ thể như: tiếp tục tham mưu kịp thời cho huyện các chương trình, kế hoạch; thường xuyên chú trọng tuyên truyền, vận động; duy trì và mở rộng quy mô tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng… Mô hình “Không gian văn hóa Mạ-Cơho” là rất cần thiết trong quá trình phối hợp giữa địa phương và các khu, điểm du lịch. Cùng đó là tính hiệu quả và thực chất trong lồng ghép bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Nguyễn Linh Hoạt cho biết có nhiều nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới. Đáng lưu ý đó là thiết chế văn hóa, từ nâng cao hiệu quả, tiếp tục đầu tư đến quản lý, khai thác sử dụng... 

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT